Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 16/2021

Thứ hai, 3/5/2021 | 09:37 GMT+7
Tại Hà Nội, hội thảo Quản lý điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng được tổ chức bởi dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (viết tắt là dự án 4E) và Viện Năng lượng, Bộ Công Thương.

Quản lý điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về cách thức tổ chức và triển khai công tác logistics của các doanh nghiệp trong ngành điện gió ngoài khơi cũng như quản lý chuỗi cung ứng công nghiệp.

Tại hội thảo, các khách mời đã có cơ hội trực tiếp trao đổi về những rủi ro có thể gặp phải trong logistics và chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi dưới góc nhìn của pháp chế, của chuỗi cung ứng, của các nhà phát triển cũng như của những nhà sản xuất. Nhiều biện pháp quản lý rủi ro đã được đề xuất thực hiện, đặc biệt đối với quá trình vận hành và vận tải hàng hóa hạng nặng ngoài khơi. 

Hội thảo cũng tập trung đưa ra các yêu cầu kỹ thuật trong phát triển thị trường năng lượng điện gió móng cố định và móng nổi. Bên cạnh đó, các kinh nghiệm thực tiễn khi tham gia vào thị trường mới cũng được đề xuất cho Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong ngành.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: GIZ Việt Nam)

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng nhấn mạnh: “Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, điện gió ngoài khơi là một giải pháp đột phá. Năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2045 được kỳ vọng đạt khoảng 20 GW. 

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tư vấn cũng như chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thiết kế và dịch vụ logistics trong quá trình xin phê duyệt các dự án điện gió ngoài khơi. Hội thảo này hy vọng sẽ giải quyết được phần nào những khó khăn đó”.

Ông Henri Wasnick, cố vấn cao cấp về năng lượng tái tạo tại Viện Năng lượng cũng chia sẻ: “Điện gió ngoài khơi có tiềm năng đóng vai trò chính yếu trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, đặc biệt trong việc thực hiện các mục tiêu giảm thiểu khí CO2, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế xã hội. 

Một chuỗi cung ứng nội địa bền vững sẽ mang đến cơ hội lớn để giảm giá thành năng lượng và phát triển nền công nghiệp xuất khẩu tự chủ cho một số lĩnh vực chuyên biệt. Tiềm năng này cần được chú trọng phát triển sâu rộng nhằm tối ưu hóa nguồn năng lượng trong nước và quốc tế”.

Cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học… năng lượng gió có đóng góp lớn trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu kép, vừa giảm thiểu phát thải khí nhà kính vừa đảm bảo nguồn cung năng lượng bền vững với giá thành phải chăng. Các dự án năng lượng gió được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới, đòi hỏi sự nâng cấp trong quản lý chuỗi cung ứng và logistics cho các dự án điện gió nói chung và các dự án điện gió ngoài khơi nói riêng. Điều này giúp hạn chế trì hoãn khi triển khai dự án và hoạch định lộ trình dự án hiệu quả hơn. Việc tận dụng những giá trị gia tăng trong nước, song hành với việc xây dựng khung pháp lý phù hợp sẽ hỗ trợ phát triển thị trường năng lượng Việt Nam.

USAID hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Công Thương Việt Nam đã vừa tổ chức sự kiện tổng kết dự án Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) do USAID tài trợ sau 5 năm thực hiện. 

Thông qua dự án V-LEEP, Bộ Công Thương và USAID đã hợp tác nâng cao năng lực của Việt Nam trong xây dựng các chiến lược năng lượng dài hạn, huy động đầu tư tư nhân cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, cải thiện sự tuân thủ đối với các quy định về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp.

Phát biểu tại sự kiện, Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Christopher Klein nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ bền chặt giữa Bộ Công Thương Việt Nam và dự án V-LEEP của USAID trong 5 năm qua. Chúng tôi cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo và cam kết của Bộ Công Thương đối với lĩnh vực năng lượng sạch không chỉ thông qua lời nói mà bằng cả hành động thực tế. 

Sự tăng trưởng điện mặt trời tại Việt Nam trong 2 năm qua là rất khích lệ và Việt Nam hiện là quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á. Khu vực tư nhân đã thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng này trong lĩnh vực phát triển điện mặt trời, qua đó thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển do khu vực tư nhân dẫn dắt”.

Dự án V-LEEP đã góp phần huy động 311 triệu Đô la để phát triển thành công 300 MW điện gió và điện mặt trời với 6 dự án do khu vực tư nhân đầu tư tại Việt Nam

Dự án V-LEEP đã góp phần huy động 311 triệu Đô la để phát triển thành công 300 MW điện gió và điện mặt trời với 6 dự án do khu vực tư nhân đầu tư. Trong 3 năm qua, nhờ các dự án năng lượng tái tạo này cùng với năng lượng tiết kiệm được thông qua các giải pháp cải thiện hiệu quả năng lượng, dự án đã góp phần giảm phát thải khoảng 730.000 tấn khí nhà kính, tương đương 365.482.807 kg than.

Dự án cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ kỹ thuật cho sự phát triển lưới điện tương lai của Việt Nam và xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII (gần đây bản dự thảo này đã được Bộ Công Thương công bố trên website để lấy ý kiến góp ý).

Dự án cũng đã hỗ trợ việc xây dựng chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và sau khi có phê duyệt cuối cùng, cơ chế này sẽ tạo thuận lợi cho các công ty tư nhân (như Nike, AB InBev, Adidas) hợp tác với Việt Nam để cấp vốn cho các dự án phát triển điện mặt trời và điện gió mới, đồng thời gia tăng những đóng góp của Việt Nam trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 

Bên cạnh đó, dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) nhằm giảm tiêu thụ điện trong sản xuất công nghiệp, tiếp tục góp phần thúc đẩy các mục tiêu hiệu quả năng lượng đầy tham vọng của Việt Nam.

USAID sẽ tiếp tục phát huy thành công của dự án V-LEEP và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Bộ Công Thương thông qua dự án mới là V-LEEP II. Trong 5 năm tới, dự án V-LEEP II sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục chuyển đổi sang năng lượng sạch, đảm bảo và dựa vào thị trường thông qua tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, cải thiện hiệu quả ngành năng lượng và tăng cường tính cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển điện khí LNG, điện gió biển

Nhằm tạo định hướng phát triển cho điện gió trên biển, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, dự thảo quy hoạch phát triển điện gió biển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển 15 vị trí: giai đoạn 2021 - 2025 phát triển tại 4 vị trí với quy mô 1.220 MW, giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục phát triển thêm 11 vị trí với quy mô công suất tăng thêm 3.160 MW. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đồng ý chủ trương cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam thực hiện khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch tại 1/15 vị trí thuộc vùng biển xã Phước Dinh (Thuận Nam) V2-1 với công suất 502 MW. Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đang giao Sở Công Thương tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương để làm rõ ranh giới khai thác, yêu cầu về an ninh quốc phòng khi triển khai đối với 14 vị trí còn lại, làm cơ sở kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.

UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, dự thảo quy hoạch phát triển điện gió biển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Ảnh minh họa)

Việc triển khai các dự án năng lượng, nhất là điện khí LNG, điện gió biển trên địa bàn Ninh Thuận trong thời gian tới có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, là động lực quan trọng để hiện thực hóa chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. 

Để đạt được mục tiêu đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra các giải pháp: tập trung rà soát, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển nguồn điện gió, điện khí LNG. Trong đó, nghiên cứu đánh giá kỹ các vùng, vị trí biển, ngoài khơi có tiềm năng phát triển điện gió, làm cơ sở tham mưu đề xuất để tích hợp vào Quy hoạch điện VIII; hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo; tạo cơ chế đấu giá, đấu thầu theo chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo công khai, minh bạch.

Tiềm năng phát triển các dự án điện gió biển, điện khí LNG của Ninh Thuận vẫn còn rất lớn. Nhằm tiếp tục khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cập nhật và bổ sung mới các nguồn năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VIII với quy mô: điện gió biển 1.120 MW, phát triển tại các vị trí V2-1, V2-2, V3-1, V3-4 theo dự thảo Quy hoạch điện gió ven biển tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045; điện khí LNG phát triển tại vị trí đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch 1.500 MW.

Ngân Hà