Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 15/2021

Thứ hai, 26/4/2021 | 10:43 GMT+7
Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam mới đây đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức diễn đàn Phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT) trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam.

Đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, tăng trưởng xanh ở Việt Nam

Diễn đàn là nơi các Bộ, ban, ngành, chuyên gia và nhà đầu tư chia sẻ các nội dung liên quan tới chính sách phát triển nguồn năng lượng hóa thạch cũng như nguồn NLTT, chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển bền vững, xu hướng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam. Cũng như đề ra một số giải pháp xử lý các vấn đề sẽ gặp phải khi Việt Nam đón nhận ngày càng nhiều các nguồn đầu tư nước ngoài.

Điều hành và chủ trì diễn đàn gồm có: Tiến sỹ Mai Duy Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam; Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên – Chuyên gia kinh tế, Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ; Tiến sỹ Nguyễn Thị Diệu Trinh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Toàn cảnh diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thông tin về vấn đề tăng trưởng xanh của Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo ông, Việt Nam tiếp tục phải thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện tại Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia hiện còn bộc lộ một số hạn chế, bao gồm chưa nhận thức đầy đủ vai trò trong tham gia thực hiện tăng trưởng xanh ở các cấp; lối sống xanh chưa trở thành trào lưu trong xã hội, nhận thức xã hội còn hạn chế. Từ đây, ông đưa ra đề xuất cần lồng ghép tăng trưởng xanh vào giáo dục. Cần đưa vấn đề này vào đào tạo ngay từ đầu, từ cấp mầm non để tạo văn hóa xanh từ trong nhận thức, để mỗi người trở thành công dân xanh thì mới có xã hội xanh và tăng trưởng xanh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam, NLTT có nhu cầu năng lượng điện có tỷ trọng tăng cao nhất, tốc độ tăng trưởng cũng là tăng cao nhất. Từ đó, ông cho biết 6 kịch bản phát triển tổng thể năng lượng, trong đó chỉ ra rằng ở Kịch bản phát triển bình thường A0, tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ tăng lên 192 triệu TOE năm 2030 và lên 438 triệu đến năm 2050, tốc độ tăng trung bình là 6,5%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030. Tốc độ tăng trưởng các dạng NLTT như mặt trời và gió sẽ ở mức cao trong giai đoạn này. Ở kịch bản cơ sở mục tiêu trung bình A1 và mục tiêu cao A2, nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ được giảm xuống đáng kể với mức 173 triệu TOE ở kịch bản A1, 161,5 triệu TOE ở kịch bản A2 vào năm 2030.

Tăng trưởng xanh, chuyển dịch năng lượng sạch là xu hướng tất yếu, cần ưu tiên chuyển dịch công bằng và bền vững. Điện gió và điện mặt trời là hai khu vực có tiềm năng lớn, thu hút nhiều vốn đầu tư, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành trung tâm Phát triển sáng tạo xanh phát biểu tại hội nghị. Chuyển dịch năng lượng mang lại lợi ích lớn về môi trường làm việc trong lành, ít bụi bẩn và ít rủi ro hơn cho sức khỏe người lao động. Bên cạnh đó, mức lương người lao động trong ngành mới này cũng được đánh giá là cạnh tranh và xếp hạng tốt.

Tham gia hội thảo TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TS. Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình bày về vấn đề vận động nguồn lực phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững và những định hướng phát triển NLTT, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng tham gia thảo luận về vấn đề NLTT trong giai đoạn mới và phương hướng phát triển năng lượng gắn với thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Giải pháp hỗ trợ huy động tối ưu nguồn NLTT trong hệ thống điện

Mới đây, tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp với Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo tham vấn “Các giải pháp quản lý quá tải nhằm hỗ trợ huy động tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện”.

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo tham vấn để thực hiện nhiệm vụ “Các giải pháp quản lý nghẽn lưới giúp hạn chế cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo”. Nhiệm vụ này nhằm xây dựng chi tiết cơ chế điều độ phù hợp với Việt Nam (liên quan đến cả lưới điện và thị trường), tối thiểu hóa chi phí nâng cấp lưới điện để giảm thiểu việc cắt giảm công suất nguồn điện NLTT, đề ra các giải pháp (nếu việc cắt giảm là không tránh được) và đề xuất cơ chế hỗ trợ tài chính.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe những phần trình bày về phân tích hệ thống điện và đánh giá hiện trạng quản lý nghẽn lưới tại Việt Nam. Các kinh nghiệm quốc tế cũng được giới thiệu để Việt Nam có thể học hỏi nhằm giải quyết các vấn đề liên quan. 

Những năm gần đây, các dự án NLTT phát triển nhanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này chỉ phân bổ tập trung tại một số khu vực miền Trung trong khi hạ tầng lưới điện để giải toả công suất nguồn điện không đủ để đáp ứng đồng bộ. Cùng với đó, sự chênh lệch cao giữa phụ tải cao điểm và phụ tải thấp điểm dẫn đến sự không ổn định của hệ thống lưới điện, gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các khu vực này. Các dự án phải cắt giảm sản lượng điện phát, ảnh hưởng tới doanh thu và lãng phí nguồn đầu tư. 

Ảnh minh họa

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã đề xuất một số giải pháp để cải thiện hiện trạng quản lý nghẽn lưới ở Việt Nam, Cụ thể, về khung pháp lý: cơ chế giá FIT thay đổi theo vùng hoặc theo thời gian: cơ chế giá FIT cho toàn quốc hiện nay đang khuyến khích các nhà đầu tư tập trung vào các khu vực thuận lợi về điều kiện tự nhiên, ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Có thể loại bỏ nút thắt này bằng cách thay đổi giá FIT theo thời gian trong ngày hoặc khác nhau giữa các vùng. Ngoài cơ chế giá FIT, NLTT ở Việt Nam còn được ưu tiên trong việc huy động trước và cắt giảm sau các nhà máy điện truyền thống. Thứ tự ưu tiên này có thể được thay bằng các phương pháp hiệu quả hơn, ví dụ như ưu tiên theo chi phí quy dẫn. 

Về lưới điện: truyền tải điện một chiều cao áp (HVDC) là giải pháp dài hạn được đề xuất khi vừa giúp giải tỏa đường dây truyền tải Bắc – Nam vừa có thể cung cấp các chức năng ổn định lưới điện như bù công suất phản kháng...

Bên cạnh đó, các hệ thống tích trữ năng lượng cần được đẩy mạnh. Tích trữ năng lượng có thể bù lại sự biến động của nguồn NLTT, tạo ra sự linh hoạt trong vận hành. Hơn nữa, hệ thông tích trữ năng lượng giúp dịch chuyển đỉnh công suất của nguồn NLTT sang thời điểm đỉnh phụ tải. 

Các hệ thống điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà), điện gió chủ yếu được kết nối với lưới điện phân phối. Do đó, các trạm biến áp phân phối sẽ cần được số hóa để cải thiện sự phối hợp giữa các đơn vị sản xuất, vận hành hệ thống truyền tải và phân phối. 

Chuỗi hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật song phương “Lưới điện thông minh cho Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng” (SGREEE) do Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (trực thuộc Bộ Công Thương) và GIZ (dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên Bang Đức (BMZ) phối hợp thực hiện. Dự án SGREEE đang hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực hiện Lộ trình lưới điện thông minh hướng tới thúc đẩy hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống truyền tải và phân phối điện quốc gia.

Đề xuất đầu tư dự án điện khí tại Sóc Trăng

Tại Sóc Trăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh vừa có buổi tiếp và làm việc với ông Sam Chan - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium của Mỹ). 

Theo ông Sam Chan, qua chuyến khảo sát tại một số địa phương trong tỉnh, công ty muốn đầu tư dự án điện khí có công suất 9.600 MW (gồm 2 giai đoạn) tại Sóc Trăng. Công ty cam kết sẽ sử dụng các trang thiết bị tiên tiến, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, công ty đề nghị tỉnh hỗ trợ khoảng 200 ha đất và các thủ tục pháp lý cần thiết…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh làm việc với đại diện Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khuyến khích đầu tư vào điện khí, ngành NLTT. Hiện khu công nghiệp Đại Ngãi và Mỹ Thanh đã nằm trong quy hoạch của tỉnh. Nếu công ty chọn đặt dự án tại 2 khu vực này sẽ rất thuận lợi. Tỉnh thống nhất cao với dự án và nếu công ty chọn để đầu tư thì tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ các thủ tục để triển khai dự án. 

Ông Lâm Hoàng Nghiệp đề nghị công ty cần có văn bản đề nghị cho đơn vị khảo sát chi tiết để lập dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ bàn và có văn bản đồng ý cho tập đoàn tiến hành khảo sát. Trong đó giao Ban Quản lý Khu công nghiệp và các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh, tạo đầu mối giữa UBND tỉnh và công ty trong quá trình thực hiện. Sau khi khảo sát chi tiết, công ty phải có đề án chi tiết về chủ trương đầu tư dự án này để tỉnh trình Chính phủ phê duyệt.

Ngân Hà