Năng lượng tái tạo

Cơ hội chuyển dịch sang năng lượng sạch

Thứ sáu, 30/4/2021 | 10:00 GMT+7
Quá trình chuyển đổi từ phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch sang phát triển và ứng dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là tất yếu. Việt Nam có cơ hội lớn để chuyển dịch sang năng lượng sạch.

Đây là một trong những nội dung được các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn "Năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam" do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam tổ chức mới đây.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Việt Nam có cơ hội để chuyển dịch sang năng lượng sạch do có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn và nổi trội ở khu vực. Tiềm năng lớn điện mặt trời lớn: có thể phát triển ở các quy mô khác nhau và cơ hội kết hợp giữa các công nghệ năng lượng và giữa năng lượng tái tạo (NLTT) với nông nghiệp để tạo ra nhiều đồng lợi ích. Thủy điện là nguồn điều tần có chi phí thấp cho Việt Nam. Pin tích năng và công nghệ sản xuất hydro là chìa khóa cho tương lai năng lượng sạch...

Chuyển dịch năng lượng mang lại lợi ích lớn về môi trường làm việc trong lành, ít bụi bẩn và ít rủi ro hơn cho sức khỏe người lao động

Bà Khanh cũng nhấn mạnh: Chuyển dịch năng lượng không dẫn tới mất việc làm cho người lao động của ngành than hay của các nhà máy nhiệt điện than. Việc phát triển các loại NLTT trong dài hạn dự báo đảm bảo đem lại nhiều cơ hội việc làm không thấp hơn so với sản xuất điện truyền thống trong cả 2 nhóm là xây lắp và vận hành, bảo dưỡng.

Bên cạnh đó, chuyển dịch năng lượng mang lại lợi ích lớn về môi trường làm việc trong lành, ít bụi bẩn và ít rủi ro hơn cho sức khỏe người lao động. Bên cạnh đó, mức lương của người lao động trong ngành mới này cũng được đánh giá là cạnh tranh và xếp hạng tốt. Tạo động lực phát triển mới và giúp thu hẹp khoảng cách cho các địa phương có tiềm năng; tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu xa, hẻo lánh.

TS Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nhìn bức tranh tổng thể chúng ta còn rất nhiều việc phải làm và cần sự đồng hành của Chính phủ. Trong thời gian tới, đầu tư cho tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu thì ngân sách nhà nước chỉ chiếm 30%, còn 70% sẽ đến từ khu vực tư nhân và bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Với vị thế của mình, Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn tài chính khí hậu quốc tế.

Bà Trinh chia sẻ, tháng 3/2021 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) thay mặt cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) ký Hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 11,3 triệu USD với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp. Khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 11,3 triệu USD, kèm theo một khoảng bảo lãnh trị giá 75 triệu USD. Khoản viện trợ không hoàn lại sẽ dành 8,3 triệu USD để xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân trong nhận diện, thẩm định và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng.

Còn Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) phát triển đề xuất dự án hỗ trợ việc xây dựng các tòa nhà phát thải thấp và làm mát thông qua phương pháp tiếp cận đa ngành dự kiến tổng số vốn 105 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại từ Quỹ GCF là 5 triệu USD. Mục tiêu của đề xuất hỗ trợ thực hiện các mục tiêu Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để góp phần chuyển đổi ngành xây dựng theo hướng phát triển phát thải thấp...

Việt Nam có cơ hội để chuyển dịch sang năng lượng sạch do có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn và nổi trội ở khu vực

Để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch ở Việt Nam, bà Ngụy Thị Khanh đưa ra một số khuyến nghị như các lợi ích của chuyển dịch cần được tích hợp vào quá trình xây dựng các chính sách có liên quan cho giai đoạn sau 2020. Cần thiết lập một cơ chế điều phối cấp Nhà nước để thúc đẩy hợp tác liên ngành, xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi công bằng.

Chính phủ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ và nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành NLTT, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch; 

Chính sách phát triển NLTT cần quan tâm cả quy mô tập trung, phân tán và tích hợp để vừa tránh xung đột về đất đai vừa đảm bảo sinh kế và cơ hội hợp tác mới của người dân và các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng trong chuyển dịch năng lượng. Cần có sự tham gia của người lao động và cộng đồng địa phương vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách về phát triển NLTT để đảm bảo sự chuyển đổi công bằng.

Ngành giáo dục, đào tạo nghề, công đoàn và chính quyền địa phương cần bám sát chính sách và thị trường để phát triển mới hoặc nâng cấp các chương trình đào tạo nhân lực, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, công nghệ, hướng nghiệp, đào tạo nghề nhằm chuẩn bị nhân lực cho quá trình chuyển dịch năng lượng. Nghiên cứu, đổi mới và sản xuất thiết bị chuyển đổi, lưu trữ và kết nối quản lý hệ thống điện NLTT nên là trọng tâm ưu tiên trong kế hoạch nội địa hóa các thiết bị và chuỗi sản xuất của ngành NLTT và tiết kiệm năng lượng. Các cơ quan truyền thông và các tổ chức khoa học công nghệ, tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia phổ biến thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cho công chúng về những lợi ích, cơ hội cũng như thách thức của chuyển dịch năng lượng. Cuối cùng là phải thông thị trường vốn ưu đãi từ quốc tế cho năng lượng sạch.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương kiến nghị cần giám sát nghiêm mọi cơ sở khai thác và sản xuất năng lượng có phát thải ô nhiễm môi trường và có chế tài nghiêm ngặt đối với các cơ sở năng lượng vi phạm quy định để phát thải ô nhiễm ra môi trường vượt mức cho phép. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí, chứng chỉ…) nhằm điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng, tạo nguồn thu cho hoạt động đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch.

Cẩm Hạnh