Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 16/2022

Thứ hai, 2/5/2022 | 15:21 GMT+7
Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (GIZ/ESP), trường Đại học Đà Lạt cùng một số đối tác vừa ký kết biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu và xây dựng mô hình thí điểm điện mặt trời kết hợp nông nghiệp (agrivoltaics), đồng thời cùng nhau thúc đẩy sự hình thành của một thị trường cho công nghệ mới này tại Việt Nam.

Xây dựng mô hình thí điểm điện mặt trời kết hợp nông nghiệp tại Đà Lạt

Theo đó, chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (GIZ/ESP), trường Đại học Đà Lạt, ENVELOPS Co. Ltd., HAEZOOM Corp., Korea Leading Engineering System Inc., Green Technology Center và Fraunhofer Institute for Solar Energy Systems ISE e.V. vừa tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ với mục tiêu thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ và hợp tác tích cực giữa các bên trong việc nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm điện mặt trời kết hợp nông nghiệp (agrivoltaics), đồng thời cùng nhau thúc đẩy sự hình thành của một thị trường cho công nghệ mới này.

Đây là một trong những hoạt động hợp tác giữa Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ, dưới sự tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) với các đối tác phát triển, đối tác nghiên cứu và tư nhân nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng, thúc đẩy triển khai các giải pháp năng lượng xanh, giúp Việt Nam từng bước hiện thực hóa tiến trình chuyển dịch năng lượng bền vững, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Một mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp

Mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp (agrivoltaics) là mô hình kết hợp lắp đặt các tấm quang năng lên trực tiếp diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ưu điểm của mô hình này là hiệu suất sử dụng đất cao, tận dụng được khoảng không trong nông nghiệp cho sản xuất điện sạch. Điện được làm ra sẽ được tận dụng cho chính các hoạt động sản xuất, chế biến và lưu trữ nông sản tại chỗ cũng như hoạt động kinh tế ở các khu vực lân cận. Dự án thí điểm này tại Đà Lạt do bảy đối tác cùng thực hiện bao gồm: Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (GIZ/ESP), trường Đại học Đà Lạt, ENVELOPS Co. Ltd., HAEZOOM Corp., Korea Leading Engineering System Inc., Green Technology Center và Fraunhofer Institute for Solar Energy Systems ISE e.V. 

Dựa trên mô hình thí điểm, nhóm dự án sẽ tiến hành các nghiên cứu cần thiết cho việc triển khai mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp (agrivoltaics) rộng rãi tại Việt Nam, bao gồm nghiên cứu nông học, nghiên cứu về hệ thống điện mặt trời, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp và nghiên cứu về chính sách. Đây là bước khởi đầu cho các dự án trong tương lai của các bên liên quan sử dụng công nghệ này tại Việt Nam.

Hợp tác thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và RENOVA Inc. (Nhật Bản) vừa tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Theo bản ghi nhớ, PTSC và RENOVA sẽ thiết lập quan hệ hợp tác trong hoạt động thăm dò, chuẩn bị, khảo sát ngoài khơi, phát triển, xây dựng, thi công, vận hành và bảo trì dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu thương mại hóa.

Lễ ký kết được tiến hành theo nghi thức đặc biệt tại Diễn đàn công – tư của Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác tăng trưởng xanh châu Á (Asia Green Growth Partnership Ministerial Meeting - AGGPM) do chính phủ Nhật Bản tổ chức, như một hành động hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tại khu vực châu Á theo Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng châu Á (Asia Energy Transition Initiative - AETI) của chính phủ Nhật Bản được công bố vào tháng 5/2021. Ông Yosuke Kiminami, Chủ tịch sáng lập kiêm CEO của RENOVA và ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC đã tham gia lễ ký kết trực tuyến.

Lễ ký kết MOU giữa PTSC và RENOVA

Ông Yosuke Kiminami, Chủ tịch sáng lập kiêm CEO của RENOVA cho biết: “Tôi rất vui mừng trước mối quan hệ hợp tác chặt chẽ của chúng tôi với PTSC. Đây là một doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến để xây dựng các công trình ngoài khơi ở Việt Nam, nơi dự kiến sẽ tiếp tục phát triển ngành năng lượng tái tạo. RENOVA sẽ nỗ lực hơn trong hoạt động khử cacbon với sự hợp tác của chính phủ Việt Nam, chính quyền tỉnh, các công ty đối tác và người dân địa phương”.

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC chia sẻ: “Xây dựng mối quan hệ đối tác với RENOVA là một sự khích lệ lớn đối với chúng tôi. Đây là một công ty có chuyên môn trong việc phát triển tổng thể các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm cả kỹ thuật và tài chính. Chúng tôi sẽ cùng với RENOVA hướng tới mục tiêu thương mại hóa dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam”.

Hậu Giang đề xuất bổ sung quy hoạch 12 dự án điện mặt trời và điện gió

UBND tỉnh Hậu Giang vừa có công văn số 533/UBND-NCTH ngày 25/4/2022 gửi Bộ Công Thương về việc đề nghị bổ sung các dự án điện mặt trời, điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII).

Công văn của UBND tỉnh Hậu Giang nêu: Thực hiện Thông báo số 116/TB-VPCP ngày 17/4/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Hậu Giang đã tiến hành rà soát được tiềm năng về phát triển điện mặt trời 900MW và điện gió 350MW. 

Để phát triển nguồn điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ Công Thương xem xét, bổ sung với tổng số 12 dự án điện năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VIII để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, tại các vị trí mà tỉnh đã dự kiến và kêu gọi đầu tư.

Một dự án điện mặt trời tại tỉnh Hậu Giang

12 dự án mà UBND tỉnh Hậu Giang đề xuất bao gồm 8 dự án điện mặt trời và 4 dự án điện gió. 

8 dự án điện mặt trời là: Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang 2 công suất 50MW; Nhà máy điện mặt trời Sao Mai 1 công suất 350MW, Nhà máy điện mặt trời Sao Mai 2 công suất 200MW, Nhà máy điện mặt trời Vị Tân 1 công suất 50MW, Nhà máy điện mặt trời Vị Tân 2 công suất 50MW, Nhà máy điện mặt trời Hồ Nước Ngọt công suất 50MW, Nhà máy điện mặt trời Hòa An công suất 50MW, Nhà máy điện mặt trời Hòa An công suất 100MW. 

4 dự án điện gió gồm: Nhà máy điện gió Long Mỹ 1 công suất 100MW, Nhà máy điện gió Sao Mai 1 công suất 100MW, Nhà máy điện gió Sao Mai 2 công suất 50MW, Nhà máy điện gió Hỏa Tiến công suất 100MW.

Ngân Hà