Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 19/2022

Thứ hai, 23/5/2022 | 08:28 GMT+7
Theo một báo cáo mới công bố của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), thế giới sẽ lập kỷ lục mới về công suất điện tái tạo trong năm nay, dẫn đầu là năng lượng mặt trời ở Trung Quốc và châu Âu.

Công suất điện tái tạo dự kiến tăng kỷ lục vào năm 2022

IEA cho biết, công suất năng lượng tái tạo mới được bổ sung trong năm 2021 đã đạt 295 GW bất chấp sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, tiến độ chậm trễ trong xây dựng và giá nguyên liệu thô cao. Sang năm nay, thêm 320 GW dự kiến được lắp đặt, tương đương với toàn bộ nhu cầu điện của Đức hoặc tổng sản lượng điện từ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU). Đây sẽ là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Năng lượng mặt trời - dẫn đầu bởi Trung Quốc và châu Âu ước tính sẽ chiếm 60% tăng trưởng điện tái tạo vào năm 2022, xếp sau là năng lượng gió và thủy điện, theo cơ quan tư vấn cho các quốc gia phát triển về chính sách năng lượng.

IEA cho biết: Công suất điện tái tạo bổ sung được đưa vào sử dụng trong năm 2022 và 2023 có khả năng làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu vào khí đốt của Nga trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, đóng góp thực tế sẽ phụ thuộc vào sự thành công của các biện pháp hiệu quả năng lượng song song để duy trì nhu cầu của khu vực.

Công suất điện tái tạo dự kiến tăng kỷ lục vào năm 2022

"Sự phát triển của thị trường năng lượng trong những tháng gần đây, đặc biệt là ở châu Âu, đã một lần nữa chứng minh vai trò thiết yếu của năng lượng tái tạo trong việc cải thiện an ninh năng lượng, bên cạnh hiệu quả giảm phát thải", Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhấn mạnh.

Birol kêu gọi các chính phủ đẩy nhanh việc cấp phép và cung cấp các động lực phù hợp để triển khai năng lượng tái tạo nhanh hơn. IEA lưu ý rằng nếu không có các chính sách mạnh mẽ hơn, tăng trưởng toàn cầu của năng lượng tái tạo sẽ mất đà trong năm tới.

Quảng Trị và Israel chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo 

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị và Đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo Công nghệ năng lượng tái tạo Israel - Quảng Trị.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Israel tại Việt Nam Naday Eshcar cho biết, Israel là một quốc gia đang trên con đường trở nên độc lập về năng lượng thông qua các giải pháp tiên tiến về năng lượng tái tạo. Có khoảng 100 công ty Israel với các giải pháp đa dạng từ sản xuất, truyền tải, phân phối và lưu trữ năng lượng đến giảm thiểu carbon và năng lượng hydro. Các đơn vị tham gia hội thảo đại diện cho hệ sinh thái các công ty tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng bao gồm: Augwind, Brenmiller Energy, mPrest, Ecowave Power và Solar Drones.

Ông Naday Eshcar tin rằng, hội thảo là cánh cửa mở ra sự hợp tác bền vững giữa Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng và Israel trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Dự án điện gió tại Quảng Trị

Theo thông tin từ Sở Công Thương Quảng Trị, đến nay, tỉnh có 31 dự án điện gió được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 1.177 MW. Trong đó, 19 dự án điện gió đã hoàn thành công tác xây lắp và đưa vào vận hành phát điện thương mại với tổng công suất hơn 671 MW. Để thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, Quảng Trị hiện đang tập trung kêu gọi đầu tư ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ xanh để giảm tiêu thụ năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Phát triển công nghệ tích trữ năng lượng, các động cơ điện dùng công nghệ mới sao cho hiệu suất động cơ điện cao hơn, nguồn tích trữ năng lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi; hợp tác, ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất hydro bằng nước biển, sản xuất thiết bị phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo...

Tại hội thảo, đại diện các công ty năng lượng tái tạo của Israel đã trình bày những giải pháp dành cho phát triển năng lượng như hệ thống lưu trữ năng lượng đa dụng, vệ sinh tấm pin năng lượng mặt trời tự động, lưu trữ năng lượng từ nhiệt, chuyển sóng biển thành năng lượng…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tin tưởng, việc học tập, ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại của Isarel sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm ra những giải pháp tối ưu trong quá trình vận hành nhà máy năng lượng tái tạo và đảm bảo tính bền vững cho dự án.

Hội thảo lần này sẽ là nền tảng cho những kết nối, hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng, thương mại, nông nghiệp, giáo dục giữa tỉnh Quảng Trị và các đối tác Isarel trong thời gian tới. Đồng thời hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung trong tương lai gần.

Khảo sát dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời NEVN Solar

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành công văn số 2158/UBND-KT ngày 13/5/2022 gửi Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị và Công ty CP Đầu tư và Phát triển NEVN Solar về việc đề xuất đầu tư dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời NEVN Solar tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Công văn nêu: Xét đề nghị của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị tại văn bản số 558/KKT-QHTN ngày 21/4/2022 về việc chấp thuận địa điểm, vị trí thực hiện dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời NEVN Solar tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển NEVN Solar (nhà đầu tư) khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án: Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời NEVN Solar tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong thuộc khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.

Ảnh minh họa

UBND tỉnh Quảng Trị giao Ban quản lý khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án theo đúng quy định. Sau 3 tháng nếu nhà đầu tư không có hồ sơ đề xuất dự án gửi về Ban quản lý khu kinh tế tỉnh thì văn bản này hết hiệu lực thực hiện.

Đồng thời, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm rà soát đảm bảo dự án phải phù hợp với nội dung, ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung để cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo môi trường.

Ngân Hà