Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 19/2023

Thứ hai, 15/5/2023 | 08:00 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề “Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam”.

Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam

Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3 nhằm chia sẻ các cơ hội phát triển, những thiết bị, công nghệ tiên tiến phù hợp, nêu bật giải pháp trong các lĩnh vực này.

Diễn đàn cũng tập trung vào vấn đề giải quyết các vướng mắc, bất cập để tiếp tục phát triển điện khí và điện gió theo quy hoạch, là căn cứ khoa học để đề nghị các cấp thẩm quyền sớm ban hành các chính sách pháp luật phù hợp, thực thi hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện các cam kết quốc tế về ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3

Tại diễn đàn, các cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng trình bày một số nội dung như: tổng quan tình hình thực hiện phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII; những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy định ảnh hưởng chậm tiến độ các dự án; kiến nghị chính sách phát triển các dự án năng lượng tái tạo và điện khí; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng - một số vướng mắc trong công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cho ý kiến về quy hoạch và các giải pháp phát triển chuỗi điện khí LNG của Việt Nam. Đề xuất một số chính sách, pháp luật và giải pháp thực hiện trong Quy hoạch phát triển năng lượng giai đoạn tới (Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia). Một số vấn đề về quy trình cấp phép khảo sát và tiến độ quy hoạch không gian biển quốc gia.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trình bày ý kiến, đề xuất với nội dung như: cân bằng cung - cầu, cơ cấu nguồn điện tích hợp điện gió và điện khí LNG hợp lý cho Việt Nam đến năm 2030; những vướng mắc thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện nay và kiến nghị giải pháp. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý các dự án/chuỗi dự án năng lượng chậm tiến độ; khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp; các thế mạnh của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi…

Thụy Điển mong muốn tăng cường phát triển hợp tác với Việt Nam về năng lượng

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã có buổi tiếp bà Ann Måwe, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam.

Bà Ann Måwe nhấn mạnh, trong thời gian gần đây, Thụy Điển luôn thể hiện mong muốn tăng cường phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững. Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, có kinh nghiệm thực tiễn. Các doanh nghiệp Thụy Điển sở hữu những giải pháp công nghệ để tiên phong và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh…

Thụy Điển mong muốn tăng cường phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, việc triển khai thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một trong những giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Việt Nam đề nghị các nước phát triển, trong đó có Liên minh châu Âu và Thụy Điển xây dựng những gói tài trợ cụ thể để có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả. Hai bên cần sớm đưa ra lộ trình, cơ chế cần thiết để khoản vốn này sớm được giải ngân và đưa vào sử dụng hiệu quả, trong đó cần tập trung vào 3 nội dung hợp tác sau:

Thứ nhất, hỗ trợ tư vấn chính sách để Việt Nam có thể xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp cho tương lai.

Thứ hai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành năng lượng mới, công nghiệp mới, với chương trình hợp tác đào tạo cụ thể. Từ đó có thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực để triển khai các ý tưởng chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới mà các nước phát triển có thể chuyển giao.

Thứ ba, hỗ trợ hoặc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận công nghệ mới, làm chủ công nghệ, quá trình sản xuất các thiết bị phục vụ cho quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm cả các thiết bị điện gió như cánh quạt, tuabin, động cơ điện...; sản xuất nhiên liệu mới sạch hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng như hydrogen, amoniac xanh, hỗ trợ Việt Nam xây dựng lưới điện thông minh…

Mỹ hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án thí điểm hệ thống lưu trữ năng lượng tại Khánh Hòa

Tại văn phòng Tổng lãnh sự quán Mỹ (TPHCM), mới đây, Công ty CP AMI AC Renewables (Mỹ) thông qua công ty thành viên là AMI Khánh Hòa ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Honeywell cùng hợp tác thực hiện dự án thí điểm hệ thống lưu trữ năng lượng tại tỉnh Khánh Hòa.

Dự án được công bố lần đầu tiên tại Đối thoại thường niên an ninh năng lượng Mỹ - Việt Nam. Dự án dự kiến sẽ sử dụng và lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) Honeywell tại nhà máy năng lượng mặt trời AMI Khánh Hòa với tổng công suất 50 MWp.

Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án thí điểm hệ thống lưu trữ năng lượng tại tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh minh họa)

Với khoản đồng tài trợ 3 triệu USD từ phái đoàn ngoại giao Mỹ, dự án thí điểm này sẽ cho thấy hệ thống lưu trữ năng lượng có thể góp phần hỗ trợ Việt Nam tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn vào hệ thống năng lượng quốc gia nhằm đạt những mục tiêu về khí hậu.

Lưu trữ năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển tiếp lên sản xuất năng lượng tái tạo và lộ trình giảm phát thải các hệ thống năng lượng toàn cầu. Đây là một yếu tố then chốt trong quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được ký giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế nhằm hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngân Hà