Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 2/2020

Thứ hai, 13/1/2020 | 09:11 GMT+7
Bộ Công Thương đồng ý tiếp tục nhận và giải quyết các yêu cầu bán điện từ các dự án điện mặt trời áp mái trong khi giá mới sau thời điểm 30/6/2019 chưa được phê duyệt.

Tiếp tục nhận và giải quyết yêu cầu bán điện từ các dự án điện mặt trời áp mái

Trước đây, căn cứ Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng được bên mua điện mua với giá 9,35 Uscent/kWh và điều này cũng đã thúc đẩy sự phát triển của các dự án điện mái nhà tương đối khả quan trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, sau ngày 30/6/2019, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg đã hết hiệu lực thi hành. Từ đó đến nay, mặc dù nhu cầu lắp đặt phát triển mới của điện mặt trời mái nhà vẫn còn rất tiềm năng nhưng do chờ cơ chế giá điện mặt trời mới cũng đã làm thị trường điện mái nhà chững lại.

Ngày 25/12/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị cho phép được tiếp tục nhận, giải quyết các yêu cầu bán điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà, thực hiện xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện giao nhận nhưng chưa thực hiện việc thanh toán tiền điện cho đến khi các cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn chính thức.

Bộ Công Thương đồng ý tiếp tục nhận và giải quyết yêu cầu bán điện từ các dự án điện mặt trời áp mái

Ngày 31/12/2019, Bộ Công Thương có Tờ trình số 10170/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng sau ngày 1/7/2019, trong đó có nội dung "Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp trên mái nhà của công trình xây dựng, có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp và gián tiếp vào luới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống" và giá bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà là 1.916 đồng/kWh, tương đương 8,38 Uscent/kWh. Tuy nhiên đến nay, Bộ Công Thương cho biết cơ chế khuyến khích nêu trên chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tới ngày 6/1/2020 vừa qua, Bộ Công Thương có văn bản số 89/BCT-ĐL gửi EVN về việc thực hiện các thỏa thuận với điện mặt trời áp mái. Ngay sau đó, căn cứ văn bản số 89/BCT-ĐL ngày 6/1/2020 của Bộ Công Thương, EVN cũng có văn bản số 125/EVN-TTĐ ngày 7/1/2020 gửi các tổng công ty điện lực để chỉ đạo thực hiện. Theo đó, Bộ Công Thương đồng ý với đề xuất của EVN về việc tiếp tục nhận và giải quyết yêu cầu bán điện từ các dự án điện mặt trời áp mái, thực hiện xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện giao nhận nhưng chưa thực hiện việc thanh toán tiền điện cho đến khi các cơ quan thẩm quyền có hướng dẫn chính thức.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN và các đơn vị lưu ý đảm bảo các hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối vào hệ thống điện quốc gia tuân thủ đúng quy định của pháp luật và không gây quá tải lên hệ thống điện hiện hữu. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị thông báo rõ với các nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư phải tự chịu rủi ro về sự thay đổi (nếu có) so với đề xuất điện mặt trời trên mái nhà có trong Dự thảo mà Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ tại tờ trình 10170/TTr-BCT ngày 31/12/2019.

Bổ sung dự án điện mặt trời 450MW tại Ninh Thuận vào quy hoạch

Văn phòng Chính phủ mới đây có văn bản số 70/TTg-CN ngày 9/1/2020 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Dự án điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam được triển khai kết hợp đầu tư trạm biến áp 500kV và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020 để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương xác định rõ yêu cầu về phạm vi đầu tư, quản lý vận hành và các vấn đề liên quan khác để hướng dẫn việc lựa chọn nhà đầu tư, quản lý quá trình đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc nghiên cứu, xử lý triệt để những vấn đề vướng mắc về giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời đang hoạt động.

Đồng thời, Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng lưới điện để truyền tải hết công suất các nhà máy điện mặt trời đang vận hành thương mại theo quy định, không để xảy ra tình trạng giảm phát các nhà máy điện, làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đối với nhà đầu tư, nhất là trong điều kiện khó khăn về cung ứng điện hiện nay.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ cũng giao UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.

Dự án điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư, quy mô công suất 450MW triển khai trên diện tích hơn 770ha có kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối để giải tỏa công suất điện cho nhà máy cũng như các dự án năng lượng tái tạo thuộc khu vực phía Nam của tỉnh Ninh Thuận

Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư sẽ bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư. Trong trường hợp EVN không tiếp nhận bàn giao, chủ đầu tư sẽ tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống theo cơ chế thống nhất với EVN và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT).

Khởi công dự án thủy điện tích năng Bác Ái

Tại tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã tổ chức Lễ triển khai thi công và phát động phong trào thi đua hoàn thành xây dựng cụm công trình cửa xả thuộc dự án thủy điện tích năng Bác Ái.

Dự án thủy điện tích năng Bác Ái nằm trên địa bàn các xã Phước Hòa, Phước Tân, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; thuộc danh mục các dự án nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch điều chỉnh phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), do EVN là chủ đầu tư.

Dự án thủy điện tích năng Bác Ái là một trong những dự án thủy điện tích năng đầu tiên được triển khai thi công xây dựng tại Việt Nam gồm 4 tổ máy với công suất 1.200 MW. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 21.100 tỷ đồng. Công trình sử dụng nguồn nước của hồ Sông Cái thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ làm hồ dưới. Nước được bơm từ hồ dưới lên hồ trên tích nước để phát điện thông qua 2 tuyến đường hầm song song có đường kính thay đổi từ 5,5m đến 7,5m với tổng chiều dài mỗi tuyến hầm hơn 2.700m. Nhà máy với thiết bị công nghệ tích hợp bơm – tuabin đảo chiều và động cơ - máy phát đảo chiều là loại thiết bị tiên tiến, hiện đại hiện nay trên thế giới.

Lễ triển khai thi công và phát động phong trào thi đua hoàn thành xây dựng cụm công trình cửa xả thuộc dự án thủy điện tích năng Bác Ái

Dự án thủy điện tích năng Bác Ái có vai trò quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, có nhiệm vụ phát điện phủ đỉnh, dự phòng công suất phát, giúp ổn định hệ thống, điều chỉnh tần số, là công cụ giúp điều độ hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định, an toàn tin cậy trong bối cảnh hệ thống công suất lắp đặt của các nhà máy điện mặt trời đang tăng rất cao.

Trong thời gian vừa qua, khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã phát triển bùng nổ các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Dự kiến đến hết năm 2020, riêng tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ đạt tới hơn 3.000 MW và đến 2025 sẽ đạt trên 4.500 MW điện gió, điện mặt trời. Nhà máy thuỷ điện tích năng Bác Ái đóng vai trò là một hệ thống tích trữ năng lượng rất lớn và hết sức có ý nghĩa khi nó được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2025 - 2030.

Toàn bộ dự án thuỷ điện tích năng Bác Ái được phân kỳ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: thi công cụm công trình cửa xả, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2021, đồng bộ với tiến độ tích nước hồ Sông Cái - dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Giai đoạn 2: thi công công trình chính vào đầu năm 2022 đảm bảo tiến độ phát điện vào tháng 12/2026; dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2028.

Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đề nghị lãnh đạo và nhân dân tỉnh Ninh Thuận, huyện Bác Ái và các xã liên quan tạo mọi điều kiện, để giúp chủ đầu tư và các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cũng yêu cầu EVN chỉ đạo Ban QLDA Điện 3 phối hợp tốt với nhà thầu, các đơn vị tư vấn trên công trường để xây dựng cụm công trình cửa xả của dự án thủy điện tích năng Bác Ái bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu môi trường và hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo tiến độ tích nước hồ chứa Sông Cái - thuộc dự án thủy lợi Tân Mỹ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào đầu tháng 4/2021.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Bộ Công Thương làm việc về các dự án điện khí LNG

Đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về các dự án điện khí hóa lỏng LNG trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, một số nhà đầu tư (trong và ngoài nước) đã đề xuất đầu tư điện khí hóa lỏng LNG đối với 05 dự án bao gồm: Công ty Gen X Energy thuộc Quỹ đầu tư Blackstone - Hoa Kỳ và Công ty CP Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư dự án Tổ hợp điện khí hóa lỏng LNG - Cái Mép hạ tại khu vực Cái Mép hạ, thị xã Phú Mỹ; Tổng công ty Phát điện 3 đề xuất đầu tư dự án Trung tâm điện lực Long Sơn tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu; Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đề xuất đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG Long Sơn trong khu dầu khí Long Sơn, TP Vũng Tàu; Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện khí Bà Rịa tại phường Long Hương, TP Bà Rịa; Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 đề xuất đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 3 trong khu công nghiệp Phú Mỹ I, thị xã Phú Mỹ.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đánh giá cao năng lực đồng thời ủng hộ đề xuất đầu tư các dự án điện khí hóa lỏng LNG của các nhà đầu tư. Ông Tuấn mong muốn Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư để các dự án sớm được thực hiện. Ông Tuấn cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung một số dự án đã hoàn thành các thủ tục đưa vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao sự phát triển của ngành điện tại địa phương, nhất là nguồn năng lượng điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí) đã góp phần rất lớn vào sự phát triển điện lưới của quốc gia. Thứ trưởng đề nghị địa phương trong thời gian tới: hạn chế đến mức tối đa phát triển thêm các dự án điện than mới, khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo; cân nhắc, xem xét kỹ trong việc phát triển điện, nhất là dự án điện có ảnh hướng lớn đến môi trường, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ cho ngành điện phát triển, nhất là các đường dây 250kV và 500kV; có các quy hoạch sử dụng đất lâu dài đối với việc phát triển các dự án điện…

PV