Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 10/2019

Thứ hai, 30/12/2019 | 09:07 GMT+7
Việc phát triển gần 5.000MW điện mặt trời ở Việt Nam là sự kiện tiêu biểu năm 2019, tỉnh Cà Mau khởi công Nhà máy điện gió Tân Thuận...

Phát triển gần 5.000MW điện mặt trời ở Việt Nam là sự kiện tiêu biểu năm 2019

1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Công thương trong năm 2019 do Bộ Công Thương công bố là việc đưa vào vận hành gần 5.000MW điện mặt trời.

Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời. Tính đến hết năm 2019, đã có khoảng gần 5.000MW điện đã được sản xuất từ các nhà máy sản xuất điện mặt trời.

Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng mặt trời với với công suất đưa vào vận hành lên tới gần 5.000 MW

Đây là tín hiệu cho thấy sự tích cực và hiệu quả do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ trong bối cảnh phụ tải điện tiếp tục tăng cao, yêu cầu về nguồn điện phục vụ phát triển ngày càng lớn; có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện, mỗi năm bổ sung khoảng 7 - 9 tỷ kWh, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện, giảm công suất điện chạy dầu giá cao, hướng phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Việc phát triển các dự án điện mặt trời cũng sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và công nghệ về năng lượng mặt trời; tạo động lực phát triển tốt thị trường công nghệ mới về năng lượng mặt trời ở Việt Nam, thúc đẩy hiệu quả thị trường mới bắt đầu, còn non trẻ và khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp.

Cà Mau: Khởi công Nhà máy điện gió Tân Thuận

Lễ khởi công dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận vừa diễn ra tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau.

Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận giai đoạn 1 do Công ty CP Đầu tư Năng lượng tái tạo tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư; Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 đảm nhận thi công.

Nhà máy có công suất 25MW, tổng mức vốn đầu tư 2.950 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành phát điện trong quý III/2021.

Ảnh minh họa

Khi hoàn thành, dự án sẽ đóng góp cho hệ thống điện khoảng 220 triệu kWh, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia.

Đây là nhà máy điện năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, là công trình có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: Dự án này phù hợp với chủ trương của Chính phủ về khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia khai thác năng lượng tái tạo nói chung, nguồn năng lượng gió nói riêng, nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp điện đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường. Đây cũng là dự án hết sức ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.

T&T Group đề xuất đầu tư dự án điện khí LNG 4,4 tỷ USD tại Quảng Trị

Mới đây, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã chủ trì buổi làm việc với T&T Group về đề xuất đầu tư một số dự án, trong đó nổi bật là dự án xây dựng Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,4 tỷ USD.

Theo chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư của tỉnh Quảng Trị, tháng 4/2019, T&T Group đề xuất và được tỉnh Quảng Trị chấp thuận cho nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất đối với dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng. Cụ thể, dự án có quy mô gần 120 ha, nằm trên địa phận xã Hải An và xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, thuộc khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, có công suất giai đoạn 1 là 1.200 - 1.500 MW, giai đoạn 2 từ 2.400 - 3.000 MW, dự kiến đi vào vận hành giai đoạn 1 từ năm 2028.

Hiện T&T Group và đơn vị tư vấn của dự án là Viện Năng lượng đã hoàn tất báo cáo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trình các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị, trước khi trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, với dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, ngay trong cuối tháng 12/2019, tỉnh sẽ hoàn tất hồ sơ báo cáo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia lên Bộ Công Thương xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kết nối tất cả các dịch vụ điện mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia

Ngày 24/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thành việc đưa 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

EVN là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên tiên phong hoàn thành việc đưa tất cả các dịch vụ điện năng ở cấp độ 4 cung cấp trên Cổng DVCQG.

Việc sớm hoàn thành đưa tất cả các dịch vụ điện năng cấp độ 4 kết nối thành công với Cổng DVCQG chỉ sau 15 ngày kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố khai trương Cổng DVCQG ngày 09/12/2019 thể hiện rõ quyết tâm và nỗ lực của EVN trong việc tiếp tục quá trình cung cấp dịch vụ điện với định hướng “số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh & dịch vụ khách hàng” để “điện tử hóa các giao dịch với khách hàng hàng”.

Từ ngày 24/12/2019, khách hàng chỉ cần truy cập địa chỉ trang web: www.dichvucong.gov.vn để có thể đăng ký 12 dịch vụ điện năng: cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp điện mới mới từ lưới điện hạ áp; thanh toán tiền điện, thay đổi công suất sử dụng điện/thay đổi loại công tơ 01 pha, 03 pha; thay đổi vị trí thiết bị đo đếm; thay đổi mục đích sử dụng điện; thay đổi định mức sử dụng điện; thay đổi chủ thể Hợp đồng mua bán điện; thay đổi thông tin đã đăng ký; thay đổi hình thức thanh toán tiền điện; gia hạn Hợp đồng mua bán điện; chấm dứt Hợp đồng mua bán điện.

Với các dịch vụ điện này, khi thực hiện giao dịch qua Cổng DVCQG, mọi hồ sơ, thủ tục của khách hàng sẽ được đơn giản hóa và thuận tiện. Một số giấy tờ như: giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân sẽ được thay thế bằng các thông tin người dùng đã được Cổng DVCQG xác thực và định danh. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp sẽ giảm được thời gian thực hiện các giao dịch, đồng thời có thể giám sát quá trình thực hiện và đánh giá, phản ánh về các việc cung cấp dịch vụ của ngành điện.

Việc hoàn thành cung cấp toàn bộ các dịch vụ điện năng cấp độ 4 qua Cổng DVCQG sẽ là kênh thông tin quan trọng để EVN có thể lắng nghe và thu thập ý kiến khách hàng để từ đó có các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng, đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch các dịch vụ điện.

PV