Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 22/2022

Thứ hai, 13/6/2022 | 08:33 GMT+7
Viện Năng lượng, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức hội thảo Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam - Hướng đến mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và cam kết Net Zero tại Hà Nội.

Hướng tới lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Hội thảo nhằm làm rõ hơn về lộ trình phát triển, quy hoạch điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII; nhận diện, làm rõ và chia sẻ khuyến nghị đối với các yếu tố quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Cụ thể như vấn đề cấp phép khảo sát và phát triển dự án, cơ chế chuyển dịch trước cơ chế đấu thầu, giải pháp kích hoạt nhu cầu đầu tư, hạ tầng và đấu nối lưới điện truyền tải, khả năng tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi…

Theo ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng, kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng tiềm năng ước đạt khoảng gần 400GW.

Nguồn điện gió ngoài khơi được quy hoạch phát triển với quy mô lớn do có tiềm năng kỹ thuật tương đối tốt trên phạm vi các vùng lãnh hải của cả nước - theo đánh giá mới nhất lên đến trên 160GW và đặc tính kỹ thuật vượt trội so với các nguồn điện mặt trời và điện gió trên bờ. Tuy nhiên, loại hình nguồn điện này chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam.

Theo chuyên gia nước ngoài, Việt Nam cần phải có quy trình rõ ràng, mức giá phù hợp để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu cho rằng, suất đầu tư của dự án điện gió ngoài khơi rất lớn. Do đó, Việt Nam cần phải có quy trình rõ ràng, mức giá phù hợp để thu hút nhà đầu tư. Đồng thời, cũng cần tính toán cân nhắc đến chuỗi cung ứng, phát triển hạ tầng cảng biển.

Về mục tiêu 7GW đến năm 2030, ông Mark Hutchinson cho rằng, cần có cơ chế chuyển đổi cho 4GW đầu tiên, sau đó thực hiện cơ chế đấu thầu với 3GW còn lại. Bởi nếu chuyển thẳng sang cơ chế đấu thầu thì mục tiêu này sẽ khó đạt được.

Đại diện GWEC cho biết thêm, cũng do suất đầu tư của dự án điện gió ngoài khơi lớn nên cần có sự tài trợ vốn của cả ngân hàng quốc tế. Muốn thu hút ngân hàng quốc tế, Việt Nam cần có sự rõ ràng trong hợp đồng mua bán điện. Trong hợp đồng, cần giải quyết các vấn đề về tiết giảm công suất, mức giá điện.

Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài cũng chia sẻ nhiều bài học nghiên cứu điển hình từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển điện gió ngoài khơi thành công như Vương quốc Anh, Đan Mạch, Đài Loan (Trung Quốc)… Đồng thời, đưa ra các khuyên nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy ngành điện gió ngoài khơi phát triển hiệu quả, góp phần quan trọng đảm bảo thực hiện lộ trình tiến tới Net Zero của Việt Nam đến năm 2050.

USAID và KOICA hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch

Mới đây, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Ann Marie Yastishock cùng Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển quốc tế Hàn Quốc (KOICA) Cho Han Deog ký bản ghi nhớ đầu tiên giữa hai cơ quan về hợp tác giảm thiểu ô nhiễm và biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long và hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Giám đốc quốc gia USAID Yastishock phát biểu: “Hoa Kỳ cam kết hợp tác với các đối tác toàn cầu để cùng chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Chúng tôi vui mừng hợp tác với KOICA để cùng nhau thực hiện mục tiêu chung với Việt Nam nhằm hướng tới một tương lai bền vững với môi trường”.

“Hành động vì khí hậu và môi trường được coi là trọng tâm trong hoạt động hợp tác phát triển của KOICA. Tôi tin rằng chúng ta sẽ thực hiện những nỗ lực cứu hành tinh này một cách hiệu quả hơn thông qua cùng hợp tác thay vì hành động riêng lẻ”, Giám đốc quốc gia KOICA Cho Han Deog cho biết.

Giám đốc quốc gia USAID Ann Marie Yastishock cùng Giám đốc quốc gia KOICA Cho Han Deog tại sự kiện

Thông qua triển các khai hoạt động hợp tác, USAID và KOICA dự định sẽ gia tăng tác động và nâng cao hiệu quả của các chương trình do hai cơ quan tài trợ, đồng thời đạt được những kết quả tốt hơn và có thể đo lường được cho người dân Việt Nam. 

Hai bên sẽ theo đuổi các mục tiêu phát triển chung bao gồm nhưng không giới hạn, giảm rác thải nhựa và các loại ô nhiễm khác, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn; thúc đẩy đa dạng sinh học; giảm thiểu phát thải trong nông nghiệp; tăng cường các chiến lược thích ứng của các nhóm dễ bị tổn thương ở đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời đẩy mạnh phát triển và triển khai năng lượng tái tạo ở cấp trung ương và tại các đô thị.

Tăng cường sự tham gia của năng lượng sinh học trong cân bằng lưới điện

Trong ngày 8 - 9/6, hội thảo tham vấn vai trò của năng lượng sinh học cân bằng lưới điện tại Việt Nam diễn ra tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Hội thảo được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp tổ chức.  

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường sinh học bền vững tại Việt Nam” (BEM), do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Tổ chức GIZ phối hợp thực hiện. Dự án BEM do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng của Liên bang Đức thông qua Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI) tài trợ.  

Hội thảo tập trung vào việc chia sẻ kết quả nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các đại biểu về vai trò của năng lượng sinh học đối với việc cân bằng lưới điện ở Việt Nam.

Cụ thể, các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế đã trình bày về vai trò của năng lượng tái tạo trong cân bằng lưới điện ở Việt Nam, kinh nghiệp quốc tế trong việc xây dựng khung chính sách, thành công của một số nước trong việc huy động năng lượng sinh học để cân bằng lưới điện.

Tăng cường sự tham gia của năng lượng sinh học trong trong cân bằng lưới điện. (Ảnh: GIZ) 

Dựa vào kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị để tăng cường sự tham gia của năng lượng sinh học trong cân bằng lưới điện ở Việt Nam, chẳng hạn như điều chỉnh biểu giá FiT cho năng lượng sinh học (sinh khối và khí sinh học) theo chuẩn quốc tế (ASEAN), xác định các cơ chế khuyến khích phát điện theo mùa và theo vùng miền tương tự mô hình chi phí tránh được, mô hình hợp đồng dài hạn (tương tự Thái Lan) để đảm bảo các điều kiện vận hành an toàn và tính khả thi, các ưu đãi đối với đối với các nhà máy điện cung cấp dịch vụ lưới điện giới hạn công suất thấp hơn 30 MW, ví dụ có thể áp dụng mức công suất 2 - 5 MW .  

Tại hội thảo, đại diện Công ty CP đường Quảng Ngãi đã trình bày về mô hình thực tiễn sản xuất điện từ sinh khối tại nhà máy điện sinh khối An Khê (Gia Lai). Đây cũng là địa điểm mà các đại biểu tham quan thực địa trong ngày thứ 2 của hội thảo.

Sau các phần trình bày, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến thẳng thắn cho các nghiên cứu trình bày tại hội thảo. Dựa vào đó, các chuyên gia tư vấn sẽ tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu.

Ngân Hà