Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 26/2024

Thứ hai, 22/7/2024 | 09:00 GMT+7
Bộ Công Thương vừa có công văn số 5028/BCT-ĐTĐL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP.

Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố giám sát việc tuân thủ quy định trong mua bán điện trực tiếp

Công văn nêu: Ngày 3/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, để triển khai thống nhất và hiệu quả Nghị định số 80/2024/NĐ-CP trong phạm vi cả nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn về điện lực thực hiện kiểm tra giám sát đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý trong việc tuân thủ quy định tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan gồm:

Quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư (bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt);

Quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực;

Quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và an toàn trong sử dụng điện;

Quy định về mua bán điện và hợp đồng;

Các quy định pháp luật khác có liên quan.

Triển khai Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành theo dõi, quản lý danh sách khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý thực hiện mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 29 Nghị định số 80/2024/NĐ-CP. Kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp theo phạm vi khu vực quản lý.

Ninh Thuận: Tạo điều kiện triển khai đề xuất tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng đã chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo kết quả nghiên cứu đề xuất tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận).

Theo đề xuất của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn bao gồm các dự án thành phần: thủy điện tích năng công suất 1.440 MW (6 tổ máy); dự án điện mặt trời 3.500 MWp và hệ thống pin lưu trữ (BESS) 350 MW. Tổ hợp có quy mô, công suất tương đương 1.200 MW, sản lượng điện 5,87 tỷ kWh/năm.

Dự kiến tổng mức đầu tư của tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng này là 3,98 tỷ USD với nhu cầu sử dụng đất khoảng 184,2 ha cho thủy điện tích năng và 2.000 ha đất cho điện mặt trời. Thời gian triển khai dự án từ năm 2026, đưa vào vận hành cuối năm 2030. Dự án sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến về pin lưu trữ, thủy điện tích năng để đưa điện mặt trời có mức độ ổn định thấp thành nguồn cung cấp điện tin cậy, linh hoạt; hiện thực hóa mô hình phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu tại Ninh Thuận. Từ đó, dự án góp phần khai thác tiềm năng phát triển, đáp ứng mục tiêu đưa Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Ninh Thuận hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước

Tại buổi làm việc, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao năng lực, ý tưởng đề xuất của chủ đầu tư dự án. Dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Ninh Thuận, đáp ứng mục tiêu đưa Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đồng thuận và tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai khảo sát, lập hồ sơ dự án.

Ông Trịnh Minh Hoàng đề nghị các Sở, ngành, UBND huyện Ninh Sơn rà soát quy mô dự án với các quy hoạch của ngành, địa phương và cơ sở pháp lý về đất đai, chuyển đổi đất rừng. Đề nghị chủ đầu tư rà soát, tích hợp thủy điện tích năng với dự án điện mặt trời để tiết kiệm quỹ đất, xem xét phương án liên kết với người dân phát triển điện mặt trời; đồng thời, đẩy nhanh quy trình hoàn thiện thủ tục đầu tư để dự án có thể triển khai thực hiện và vận hành trước phân kỳ đầu tư giai đoạn 2026 – 2030.

Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị tổ chức phiên điều trần về chống phá giá pin mặt trời từ Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) mới nhận được thông tin về việc Tổng cục Nhập khẩu, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ (DGI) thông báo tổ chức phiên điều trần trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Croatia, Jordan, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Phiên điều trần sẽ được tổ chức vào ngày 24/7 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ) theo hình thức trực tuyến. Thời hạn đăng ký là ngày 22/7. Tổng cục Nhập khẩu, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị các bên liên quan thường xuyên theo dõi email từ cơ quan này để cập nhật chính xác địa chỉ và nền tảng truy cập của phiên điều trần, theo địa chỉ email tiếp nhận đăng ký: oeksorusturma@ticaret.gov.tr.

Ảnh minh họa

Để đảm bảo quyền và lợi ích của các doanh nghiệp của Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan chủ động đăng ký tham gia, nghiên cứu kỹ hướng dẫn của DGI, chuẩn bị thông tin, tài liệu theo yêu cầu và hợp tác đầy đủ, toàn diện với DGI trong toàn bộ quá trình vụ việc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi email từ DGI để cập nhật thông tin về địa chỉ và nền tảng truy cập của phiên điều trần. Trong trường hợp cần thiết, các bên liên quan có thể liên hệ trực tiếp với DGI để yêu cầu làm rõ các nội dung.

Ngân Hà