Năng lượng tái tạo

Ninh Thuận: Tạo điều kiện triển khai đề xuất tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn

Thứ hai, 15/7/2024 | 17:12 GMT+7
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng đã chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo kết quả nghiên cứu đề xuất tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận).

Theo đề xuất của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn bao gồm các dự án thành phần: thủy điện tích năng công suất 1.440 MW (6 tổ máy); dự án điện mặt trời 3.500 MWp và hệ thống pin lưu trữ (BESS) 350 MW. Tổ hợp có quy mô, công suất tương đương 1.200 MW, sản lượng điện 5,87 tỷ kWh/năm.

Dự kiến tổng mức đầu tư của tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng này là 3,98 tỷ USD với nhu cầu sử dụng đất khoảng 184,2 ha cho thủy điện tích năng và 2.000 ha đất cho điện mặt trời. Thời gian triển khai dự án từ năm 2026, đưa vào vận hành cuối năm 2030. Dự án sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến về pin lưu trữ, thủy điện tích năng để đưa điện mặt trời có mức độ ổn định thấp thành nguồn cung cấp điện tin cậy, linh hoạt; hiện thực hóa mô hình phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu tại Ninh Thuận. Từ đó, dự án góp phần khai thác tiềm năng phát triển, đáp ứng mục tiêu đưa Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Ninh Thuận hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước

Tại buổi làm việc, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao năng lực, ý tưởng đề xuất của chủ đầu tư dự án. Dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Ninh Thuận, đáp ứng mục tiêu đưa Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đồng thuận và tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai khảo sát, lập hồ sơ dự án.

Ông Trịnh Minh Hoàng đề nghị các Sở, ngành, UBND huyện Ninh Sơn rà soát quy mô dự án với các quy hoạch của ngành, địa phương và cơ sở pháp lý về đất đai, chuyển đổi đất rừng. Đề nghị chủ đầu tư rà soát, tích hợp thủy điện tích năng với dự án điện mặt trời để tiết kiệm quỹ đất, xem xét phương án liên kết với người dân phát triển điện mặt trời; đồng thời, đẩy nhanh quy trình hoàn thiện thủ tục đầu tư để dự án có thể triển khai thực hiện và vận hành trước phân kỳ đầu tư giai đoạn 2026 – 2030.

Nhã Quyên (t/h)