Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 31/2022

Thứ hai, 15/8/2022 | 08:00 GMT+7
Để quyết tâm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP2 yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền...

Tích cực, chủ động triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26

Văn phòng Chính phủ mới đây có Thông báo 231/TB-VPCP về kết luận phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền về những bất cập, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành tạo thông thoáng cho các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo theo đúng chủ trương của Đảng và định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển phục vụ lập các dự án điện gió có tính cấp bách trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh và góp phần thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.

Tiếp tục nghiên cứu khảo sát, đánh giá tổng thể về tiềm năng năng lượng gió tại các vùng biển và đất liền trên phạm vi cả nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu khảo sát, đánh giá tổng thể về tiềm năng năng lượng gió tại các vùng biển và đất liền trên phạm vi cả nước.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền cơ chế xác định giá bán điện gió và điện mặt trời thực hiện theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm giá mua bán điện hợp lý theo đúng quy định của pháp luật điện lực, pháp luật giá và pháp luật có liên quan; nghiên cứu ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Hợp tác phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Tập đoàn Ørsted (Đan Mạch) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã vừa ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) để khởi động quan hệ hợp tác trong các dự án điện gió ngoài khơi.

Lễ ký kết được tổ chức tại cơ sở thi công chế tạo của PTSC M&C tại Bà Rịa - Vũng Tàu với sự tham dự của các đại diện chính quyền địa phương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cùng các đối tác khác.

Sự hợp tác này đặt mục tiêu cung cấp các trạm biến áp ngoài khơi tiên tiến cho danh mục các dự án điện gió ngoài khơi quy mô nhiều gigawatt do liên danh Ørsted và T&T (Việt Nam) đề xuất để cung cấp nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy cho Việt Nam, hỗ trợ quốc gia đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài khía cạnh trong nước, sự hợp tác này cũng mang ý nghĩa xuất khẩu nhằm hỗ trợ danh mục các dự án điện gió ngoài khơi toàn cầu quy mô lớn của Ørsted. 

Đại diện Ørsted và PTSC M&C ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác

Liên danh Ørsted và T&T đang cùng phối hợp làm việc với một số lượng lớn các đối tác và nhà cung ứng trong nước nhằm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, với mục tiêu một dự án ở khu vực Nam Trung Bộ và một dự án ở phía Bắc vào trước năm 2030. Điện gió ngoài khơi là nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, có thể mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ và cung cấp nguồn năng lượng nội địa đáng tin cậy, với quy mô đủ lớn để thúc đẩy nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh của Việt Nam.

Ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia của Ørsted Việt Nam cho biết: "Ørsted đã sẵn sàng để hỗ trợ Việt Nam khai phá tiềm năng về điện gió ngoài khơi. Việt Nam có một trong những điều kiện tốt nhất ở châu Á về điện gió ngoài khơi, nhiều công ty kỹ thuật xuất sắc và lực lượng lao động có tay nghề cao. Thỏa thuận mở đầu này giữa Ørsted và PTSC M&C đánh dấu một bước tiến nữa trong tham vọng hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng trong nước của chúng tôi để khởi động ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi mới của Việt Nam”.

Theo ông Đồng Xuân Thắng, Giám đốc PTSC M&C, việc ký kết biên bản ghi nhớ này với Ørsted sẽ đóng một vai trò rất quan trọng để PTSC M&C phát triển năng lực của mình cho thị trường điện gió ngoài khơi đang phát triển ở châu Á cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

Sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ sử dụng than sang năng lượng sạch

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã tham dự Đối thoại chính sách cấp cao ASEAN về than diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, ASEAN hiện tại đang là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với thị trường năng động và nguồn dân số trẻ, trình độ cao. Năm 2021, nền kinh tế của khu vực đã tăng trưởng 3%, dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2022 và 5,2% năm 2023. Có thể thấy, các nước ASEAN đang nỗ lực mở cửa và phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid19.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Đối thoại

Thứ trưởng nhấn mạnh, với điều kiện tăng trưởng kinh tế như đã nêu trên, nhu cầu năng lượng của ASEAN sẽ tăng đáng kể, đến năm 2040 sẽ tăng khoảng 1,5 lần so với hiện nay.

“Bên cạnh các vấn đề an ninh năng lượng, hậu quả của nhu cầu năng lượng gia tăng này là sự gia tăng phát thải khí nhà kính (GHG), có khả năng đạt 4.171 triệu tấn CO2- eq vào năm 2040. Do đó, khu vực ASEAN cần ưu tiên quan tâm giải quyết hài hòa giữa nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng cao và các mục tiêu chống biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Để giải quyết những lo ngại này, các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN đã thông qua Kế hoạch chi tiết năng lượng khu vực, Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC). Cụ thể, giai đoạn II: năm 2021 - 2025, ASEAN nhất trí rằng đổi mới sáng tạo là một thành phần quan trọng trong việc hài hòa giữa mục tiêu an ninh năng lượng và đảm bảo tính bền vững.

Cũng tại Hội nghị COP26 diễn ra tại Vương quốc Anh vào tháng 11/2021, 47 quốc gia, trong đó có Việt Nam ủng hộ "Tuyên bố chuyển đổi từ than sang điện sạch toàn cầu" với cam kết sẽ ngừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than.

Với các cam kết trên, hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ loại bỏ điện than vào thập niên 2030, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ thực hiện mục tiêu này từ thập niên 2040 trở đi.

Hiện các nước ASEAN đã thành lập Trung tâm về Công nghệ Than sạch ASEAN vào ngày 30/9/2021 với vai trò là trung tâm nghiên cứu và phát triển của hợp tác khu vực về các quy trình sử dụng than sạch nhằm nâng cao hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Ngân Hà