Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 35/2021

Chủ nhật, 12/9/2021 | 20:05 GMT+7
Hàng loạt doanh nghiệp châu Âu như Tập đoàn Deme, Tập đoàn Ørsted Đan Mạch, Tập đoàn Exonmobil... đã và đang quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch tại Việt Nam.

Doanh nghiệp châu Âu quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam

Ngày 9/9 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chương trình thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp các doanh nghiệp châu Âu như: Tập đoàn Deme, Tập đoàn Ørsted Đan Mạch, Tập đoàn GC Interntionnal Hà Lan, Tập đoàn Exonmobil.

Tập đoàn Deme là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về nạo vét và san lấp mặt bằng, các giải pháp về năng lượng tái tạo, các công trình hạ tầng hàng hải với hơn 140 năm kinh nghiệm. Có trụ sở chính tại Bỉ nhưng Deme đã có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. 

Tại Việt Nam, Deme đã triển khai thi công các công trình lớn từ nhiều năm trước đây. Hiện Tập đoàn Deme đang có dự án trang trại điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong, Bình Thuận với sự liên kết của 3 bên đó là hợp tác với nhà thầu Vietsovpetro và Liên bang Nga.

Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao thành công của Tập đoàn Deme tại Việt Nam cũng như hoan nghênh những dự định của doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nhấn mạnh, Việt Nam có tiềm năng lớn về lĩnh vực này và đang phấn đầu đưa tỉ lệ năng lượng sạch nhiều hơn nữa trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc đầu tư phải phù hợp với Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) mà Việt Nam đang xây dựng. Đồng thời, ông Vương Đình Huệ cho biết, nếu có khó khăn, vướng mắc về pháp luật, Chính phủ sẽ trình Quốc hội rà soát, sửa đổi luật, để tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tiếp Tập đoàn Ørsted của Đan Mạch, một tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao kinh nghiệm và thành công của Tập đoàn Orsted khi có đến 27 dự án điện gió trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh ý định đầu tư của Tập đoàn Ørsted liên doanh liên kết với Tập đoàn T&T. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, với những dự định đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn cần liên hệ với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu kỹ những điều kiện kinh doanh điện gió, tỉ trọng nghiên cứu điện gió và quy hoạch tổng thể của Việt Nam. Đặc biệt, chú ý đến công nghệ đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia sao cho có hiệu quả nhất...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tiếp đại diện Tập đoàn Exonmobil

Tại cuộc tiếp ông Perer Lavoy, Giám đốc cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Exonmobil, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận nỗ lực của tập đoàn trong việc triển khai và hoàn tất việc ký kết thỏa thuận nguyên tắc về bảo lãnh và cam kết của Chính phủ.

Trong nỗ lực tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí với Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao dự án Cá Voi Xanh với tổng vốn đầu tư đạt 20 tỷ USD để sản xuất khí tự nhiên ngoài khơi tại miền Trung Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh, năng lượng quốc gia, là điều kiện quan trong để Việt Nam xây dựng và vận hành các nhà máy điện khí tại khu vực miền Trung. Do đó, Exonmobil và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để duy trì đúng tiến độ, đưa dòng khí đầu tiên vào bờ vào năm 2024.

Chủ trương của Việt Nam là tăng năng lượng điện gió, giảm dần điện than, tăng khí hóa lỏng. Vì vậy, cũng đề nghị Exonmobil sớm khởi động lại kế hoạch để đưa dự án trở lại Việt Nam trong thời gian sớm nhất sau dịch bệnh. “Hiện nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã xem xét đề xuất phát triển một số dự án điện khí hóa lỏng LNG tại miền Bắc, trong đó có tại Hải Phòng. Chúng tôi ủng hộ Exonmobil xây dựng nhà máy điện LNG tại thành phố cảng này”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

GWEC đề xuất Việt Nam lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT điện gió thêm 6 tháng

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và ngành điện gió toàn cầu kêu gọi Chính phủ Việt Nam cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng như là một biện pháp cứu trợ COVID-19 cho ngành điện gió Việt Nam.

Theo GWEC, do những trở ngại và đình trệ do đại dịch gây ra, phần lớn các dự án điện gió trên bờ đang triển khai sẽ không kịp hoàn thành kịp hạn chót trước ngày 1/11/2021 để hưởng cơ chế ưu đãi giá điện cố định (FIT). Nếu không lùi thời hạn áp dụng giá FIT, những dự án này sẽ không thể tiếp tục và sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế địa phương cũng như môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành, có thể kể đến như: tắc nghẽn chuỗi cung ứng trang thiết bị điện gió, nhân công không thể di chuyển tới công trường dự án để làm việc và thực hiện công tác nghiệm thu, hạn chế di chuyển đối với chuyên gia nước ngoài… Theo kết quả khảo sát do GWEC thực hiện đối với ngành điện gió, tính tới hết tháng 8/2021, ước tính có tới 4.000MW dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam gặp những thách thức nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra và do đó, có nguy cơ lỡ hạn chót cho giá FIT vào tháng 11/2021. 

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã trở thành thị trường đầu tư điện gió và năng lượng tái tạo hàng đầu châu Á

Theo những tính toán chuyên môn dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, 4.000MW điện gió tương đương với 6,7 tỷ USD vốn đầu tư và đây là một khoản đầu tư rất quan trọng đối với chính quyền cùng người dân địa phương. Khoản này bao gồm 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió. Những dự án điện gió này có thể tạo ra xấp xỉ 21.000 việc làm, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm cho các nhóm dân cư ven biển và thúc đẩy một nền kinh tế xanh cho Việt Nam. Phần lớn những khoản đầu tư và việc làm này sẽ được hiện thực hóa ở địa phương và trải dài trong chuỗi cung ứng, từ các hoạt động vận tải, xây lắp đến vận hành, bảo dưỡng.

Ông Ben Blackwell, Chủ tịch GWEC cho biết: “Trong một năm rưỡi trở lại đây, những gián đoạn trong đi lại, di chuyển nhân công và đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch COVID-19 đã tái diễn tại nhiều quốc gia. Nhận thức được vấn đề đó, nhiều quốc gia như Anh, Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ và Hy Lạp đã đưa ra các gói chính sách cứu trợ hoặc cho các dự án thêm thời gian để đạt thời hạn vận hành thương mại. 

Sự hỗ trợ đó đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo việc đầu tư và phát triển các dự án điện gió được duy trì dù cho có xảy ra những khó khăn trong thời đại dịch nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà phát triển dự án. Tại Việt Nam, các biện pháp hỗ trợ tương tự cũng rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp điện gió trên bờ còn non trẻ, đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19”.

GWEC kêu gọi Chính phủ Việt Nam lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm 6 tháng, tới hết tháng 4/2022, để tạo điều kiện cho các dự án điện gió đã có sự chuẩn bị, đầu tư ở một mức độ nhất định nhưng do những tác động khách quan của đại dịch COVID-19 không thể hoàn thành thi công một cách an toàn và đúng kế hoạch đã đặt ra. 

GWEC ủng hộ áp dụng những tiêu chí rõ ràng để lựa chọn các dự án đủ điều kiện lùi thời hạn, thay vì việc gia hạn một cách vô điều kiện. Biện pháp này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế về cứu trợ trong đại dịch cho ngành điện gió. Ví dụ, vào tháng 5/2020, Hoa Kỳ ban hành ân hạn 1 năm cho các dự án điện gió để hoàn thành và hưởng ưu đãi tín dụng thuế. Trong khi đó, vào tháng 6/2020, Ấn Độ giãn thời hạn vận hành thương mại thêm 2,5 tháng đối với các dự án năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động của các biện pháp phong tỏa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6. 

Quyết định lùi thời hạn áp dụng FIT sẽ không chỉ đảm bảo tính khả thi của các dự án điện gió trên bờ mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai. Khi những dự án điện gió ngoài khơi thế hệ đầu tiên đang dần tiến tới mốc đóng tài chính dự án, các nhà đầu tư quốc tế cũng hồi hộp dõi theo các dự án điện gió trên bờ đang gặp rủi ro sẽ vượt qua những thách thức từ đại dịch như thế nào. Vì vậy, những khó khăn của COVID-19 không chỉ ảnh hưởng 4.000MW điện gió trên bờ và các khoản đầu tư đằng sau dự án mà còn tác động tới tương lai ngành điện gió ngoài khơi đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Điều này có hàm ý chính sách quan trọng bởi điện gió ngoài khơi là một giải pháp năng lượng mang tính bền vững, đáng tin cậy, mang tính bản địa với giá cả hợp lý cho Việt Nam.

Đóng điện trạm biến áp 220kV dự án trang trại điện gió BT2 giai đoạn 2

Trạm biến áp 220kV dự án trang trại điện gió BT2 giai đoạn 2 tại tỉnh Quảng Bình vừa được đóng điện thành công và an toàn.

Trạm biến áp 220kV dự án trang trại điện gió BT2 giai đoạn 2 được đấu nối chuyển tiếp vào thanh cái của nhà máy điện gió BT2 giai đoạn 1. Phía 220kV lắp đặt thêm 1 ngăn đường dây, 1 ngăn liên lạc và 1 ngăn MBA T2 220kV 63MVA tại khu vực đất dự phòng từ giai đoạn trước đó. Phía 35kV bổ sung thêm các tủ lộ tổng, đo lường, tụ bù, liên lạc và 1 xuất tuyến, hoàn thiện sơ đồ một thanh cái có máy cắt phân đoạn.

Đóng điện thành công TBA 220kV dự án trang trại điện gió BT2 giai đoạn 2

Cụm trang trại điện gió B&T có tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, công suất 252MW, trải dài trên địa bàn hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những dự án lớn của tỉnh Quảng Bình; gồm 3 dự án nhỏ là: BT1, BT2 giai đoạn 1 và BT2 giai đoạn 2. 

Dự án trang trại điện gió BT2 giai đoạn 2 có công suất 42MW (10 trụ tuabin). Khi đi vào vận hành, dự án sẽ bổ sung thêm lượng lớn nguồn năng lượng sạch lên lưới điện, giúp tăng cường tính liên kết, nâng cao độ an toàn, tin cậy cung cấp điện và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Bình.

Ngân Hà