Australia và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về chuyển dịch năng lượng
Hội nghị đóng vai trò là diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm phát triển ngành điện của Australia nhằm đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam để đạt được mục tiêu về một hệ thống điện đáng tin cậy, giá cả phải chăng và giảm phát thải, phù hợp với Quy hoạch điện VIII của Việt Nam.
Hội nghị là một phần của chương trình Tương lai ngành điện Việt Nam (FE-V) được ra mắt vào năm 2022 bởi Chính phủ Australia với sự phối hợp tham gia của Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan năng lượng chính của Việt Nam.
Mục tiêu của Hội nghị Hiện trạng chuyển dịch năng lượng Việt Nam là trình bày những kết quả nghiên cứu của chương trình Tương lai ngành điện Việt Nam và thúc đẩy mối quan hệ đối tác bền vững giữa các bên liên quan trong khu vực công và khu vực tư nhân thông qua các phiên làm việc hợp tác, tương tác đồng cấp. VSET đồng thời hướng tới đặt nền móng cho các hoạt động tiềm năng trong tương lai của FE-V, chẳng hạn như phát triển báo cáo thường niên về tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/9/20/ban-tin-1-20240922173931226.jpg)
Ảnh minh họa
Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, cả Việt Nam và Australia có nhiều điểm tương đồng như cùng cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và sở hữu tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn. Theo đó, Australia mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch này.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã thông tin về thực trạng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, 5 vấn đề Việt Nam cần giải quyết trong quá trình chuyển dịch năng lượng gồm: nguồn vốn, công nghệ hiện đại, lực lượng lao động tay nghề cao, năng lực quản trị và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng khuôn khổ, chính sách và khung pháp lý phù hợp hỗ trợ việc chuyển dịch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý, Việt Nam đang trên hành trình đang trên hành trình phát triển điện gió. Sắp tới, sẽ có nhiều dự án thí điểm được triển khai và Việt Nam sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đảm bảo một nền tảng chính xác, minh bạch và một thị trường công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân Việt Nam tham gia trong lĩnh vực điện gió.
Quảng Ngãi: Hợp tác phát triển các dự án hydrogen xanh và năng lượng tái tạo
Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) với HDF Energy để thúc đẩy phát triển các dự án hydrogen xanh và năng lượng tái tạo tại tỉnh Quảng Ngãi.
HDF Energy là doanh nghiệp hàng đầu thế giới về cơ sở hạ tầng hydrogen quy mô lớn và sản xuất pin nhiên liệu công suất cao. Biên bản ghi nhớ đã được ký bởi ông Võ Văn Rân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi và ông Mathieu Geze, Giám đốc khu vực châu Á của HDF Energy, với sự chứng kiến của ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Jean-Noël de Charentenay, Phó Tổng giám đốc HDF Energy cùng ông Damien Havard, Chủ tịch, Tổng giám đốc HDF Energy.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/9/20/ban-tin-2-20240922173931085.jpg)
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi ký biên bản ghi nhớ với HDF Energy
Theo biên bản ghi nhớ, HDF Energy cùng Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo và hydrogen xanh. Trọng tâm là nghiên cứu tích hợp các công nghệ mới của HDF Energy gồm các nhà máy điện hydrogen sử dụng công nghệ HyPower (Gas-to-Power), Renewstable® (Power-to-Power), cung cấp nguồn năng lượng sạch cho lưới điện quốc gia và những hộ tiêu thụ điện lớn như: các nhà máy hóa chất, lọc hóa dầu, sản xuất thép...
Tỉnh Quảng Ngãi với khu kinh tế Dung Quất bao gồm nhà máy lọc dầu, cảng biển cùng cơ sở hạ tầng đồng bộ là địa điểm tối ưu để sản xuất điện từ hydrogen xanh hoặc pin nhiên liệu tiên tiến theo công nghệ của HDF Energy, giúp nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hệ thống năng lượng địa phương.
Ông Võ Văn Rân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng công nghiệp. Hydrogen xanh là ưu tiên cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi trong tương lai gần, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Chúng tôi hy vọng sẽ thiết lập được sự hợp tác hiệu quả với những nhà đầu tư và nhà phát triển sở hữu công nghệ như HDF Energy cho các dự án hydrogen tại tỉnh.
Na Uy hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng
Tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long vừa chủ trì buổi làm việc với bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam về nhóm đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) sẽ hỗ trợ không chỉ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia đang phát triển khác hướng đến thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.
Để triển khai hiệu quả Chương trình JETP, trước đó, Bộ Công Thương đã thành lập các nhóm công tác chuyên trách với các nhiệm vụ riêng biệt gồm: nhóm 1 về phát triển điện gió ngoài khơi; nhóm 2 phát triển trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo; nhóm 3 liên quan đến hệ thống lưu trữ năng lượng; nhóm 4 về lưới điện thông minh; nhóm 5 tập trung vào chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho chuyển dịch năng lượng; nhóm 6 về chuyển dịch nhà máy nhiệt điện than; nhóm 7 chuyên trách phát triển hydrogen xanh; nhóm 8 là nhóm tổng hợp những dự án năng lượng đã được thông qua, nằm trong Quy hoạch điện VIII và nhận được sự hỗ trợ JETP.
Thời gian qua, 8 nhóm công tác đã tích cực làm việc và đóng góp những sáng kiến mới để triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII cũng như thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/9/20/na-uy-20240922174036379.jpg)
Quang cảnh buổi làm việc
Theo Thứ trưởng, nếu những dự án năng lượng của Na Uy đang đầu tư tại Việt Nam được thông qua và nằm trong Quy hoạch điện VIII sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ từ các đối tác JETP.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp cùng Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, các địa phương để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp Na Uy trong quá trình triển khai thực hiện các dự án tại Việt Nam.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken đánh giá cao những chương trình, hành động của Bộ Công Thương trong quá trình thực hiện triển khai JETP. Đồng thời, Đại sứ Hilde Solbakken khẳng định, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng là một trong những ưu tiên của Na Uy với tư cách là đối tác của JETP.