Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng
Theo báo cáo giám sát, ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 499 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển ngành năng lượng.
Đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu cần đánh giá về chất lượng các quy hoạch phân ngành như than, dầu, năng lượng tái tạo, làm rõ vấn đề chuyển dịch năng lượng đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”
Khẳng định tầm quan trọng của chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị việc ban hành Nghị quyết chuyên đề giám sát phải tạo ra chuyển biến khác biệt trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần chỉ ra những giải pháp, trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn tới như xử lý bất cập của các quy hoạch ngành gây lãng phí nguồn lực của xã hội, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong phát triển năng lượng, lưu ý tới vấn đề tiết kiệm năng lượng.
Hậu Giang đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 vào quy hoạch
Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn số 1549/UBND-NCTH gửi Bộ Công Thương đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2, tỉnh Hậu Giang vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Ngày 22/7/2022, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn số 1050/UBND-NCTH thống nhất chủ trương cho Công ty Envision Energy (Hong Kong) Limited khảo sát đo gió và thiết kế hồ sơ dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 tại xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 có công suất sản xuất điện năng lượng gió là 100MW. Tổng mức đầu tư dự kiến là gần 3.500 tỷ đồng.Vị trí các trụ tuabin điện gió của dự án tại khu vực xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, diện tích khoảng 9,89ha; khu vực đã được UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất về chủ trương khảo sát đo gió và nghiên cứu dự án tại công văn số 1050/UBND-NCTH ngày 22/7/2022.
Diện tích của dự án không chồng lấn với các dự án khác, không nằm trong rừng phòng hộ. Vị trí, diện tích sử dụng cho dự án sẽ được nghiên cứu chuẩn xác trong các bước tiếp theo nhằm đảm bảo tính phù hợp, khả thi, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giảm thiểu ảnh hưởng đến không gian phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và những hoạt động dân sinh trong khu vực.
Hậu Giang là vùng có gió mạnh, ổn định, ít chịu ảnh hưởng của bão, là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện gió
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh là vùng có gió mạnh, ổn định, ít chịu ảnh hưởng của bão, là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện gió. Dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 được xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn điện tại chỗ của Hậu Giang, giảm bớt lượng điện truyền tải từ nơi khác về tỉnh, đảm bảo an toàn cung ứng điện nội bộ và nguồn cấp điện cho nhu cầu đang tăng cao của huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh cùng khu vực lân cận; phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chủ trương của tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo.
Do đó, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 vào Quy hoạch điện VIII; làm cơ sở để tỉnh triển khai thực hiện.
Việt Nam có cơ hội đón dòng giao dịch mạnh mẽ về năng lượng tái tạo
Báo chí, chuyên gia quốc tế nhận định, Việt Nam có cơ hội đón dòng giao dịch mạnh mẽ về năng lượng tái tạo. Trang Mckinsey nhận định, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam có thể tăng theo cấp số nhân để thu hút các nhà sản xuất và đảm bảo an ninh năng lượng. Trang báo khuyến nghị, để hỗ trợ xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam có thể triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tái tạo của khách hàng thương mại và công nghiệp. Thậm chí, Việt Nam có tiềm năng trở thành nhà vô địch của khu vực về cả năng lực năng lượng tái tạo lắp đặt và sản xuất bền vững.
Ảnh minh họa
Để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, theo thông tin từ Reuters, Việt Nam đang xây dựng các cơ chế, chính sách về tín chỉ carbon, hoàn thiện quy hoạch không gian biển quốc gia, tạo điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, xây dựng lưới điện thông minh tích hợp tốt hơn các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo trang Business Times, Việt Nam cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc được nhận định là các quốc gia có cơ hội đón các dòng giao dịch mạnh mẽ về lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần vào việc duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ và tiềm năng to lớn của lĩnh vực này tại châu Á - Thái Bình Dương.