Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 44/2024

Thứ hai, 25/11/2024 | 08:00 GMT+7
Mới đây, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP, Nghị định số135/2024/NĐ-CP.

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị triển khai các nghị định của Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, việc ban hành 3 nghị định (Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, Nghị định số135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ) như một bước đột phá trong chính sách phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam. Đồng thời, khẳng định các quy định tại nghị định không chỉ góp phần thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng xanh, sạch mà còn là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững.

Quang cảnh hội nghị

Thứ trưởng cho biết, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng để ban hành được các cơ chế, quy định, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm quốc tế, đánh giá và phân tích đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, đồng thời tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước; đảm bảo rằng không chỉ mang tính hiệu lực, hiệu quả thực thi mà còn đáp ứng được những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhu cầu sử dụng điện xanh, sạch của doanh nghiệp nói riêng.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã được nghe đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương phổ biến, giải đáp về những nội dung quy định của 3 nghị định bao gồm: những quy định chung về cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà, quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định số 115/2024/NĐ-CP đối với dự án công trình năng lượng; các quy định về mua bán điện trực tiếp…

Hội nghị không chỉ hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả 3 nghị định mà còn là cơ hội để các đại biểu thẳng thắn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định mới, từ đó triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách mới, hướng tới một tương lai phát triển năng lượng bền vững.

TPHCM thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

UBND TPHCM vừa ban hành quyết định 5260/QĐ-UBND ngày 18/11/2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giai đoạn đến năm 2050 trên địa bàn TPHCM.

Theo kế hoạch được ban hành, TPHCM sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, triển khai thực hiện thành công Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ; phối hợp triển khai kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP. Nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, tích trữ, phân phối, điều hành điện thông minh, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo. Tăng cường điện khí hóa, phát triển nguồn nhân lực; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới sản xuất được các thiết bị phục vụ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nâng cao năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến.

Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; thúc đẩy sản xuất hydro xanh, amoniac xanh. Xác định các biện pháp giảm thiểu rủi ro để bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động và các hộ gia đình nghèo, dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Đào tạo mới, nâng cao năng lực để nắm bắt các cơ hội đầu tư và việc làm từ hệ sinh thái phát triển năng lượng tái tạo. Tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng.

Giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; sản xuất hydro xanh, amoniac xanh... Nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và TPHCM trong điều hành quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng

Công ty CP Giải pháp năng lượng xanh VinEG (VinFast Energy), Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam (Schneider Electric) và Công ty TNHH Năng lượng Môi trường Biển Đông (ESEC) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển giải pháp lưu trữ năng lượng tiên tiến, qua đó thúc đẩy lĩnh vực quản lý năng lượng tại Việt Nam.

Theo thỏa thuận, các bên sẽ tập trung triển khai những lĩnh vực hợp tác chiến lược về năng lượng xanh bao gồm quản lý năng lượng và giải pháp lưu trữ năng lượng bền vững. Thông qua thỏa thuận này, các công ty kỳ vọng góp phần thúc đẩy công cuộc giảm phát thải ròng về 0, hướng đến một tương lai bền vững.

Trong đó, VinFast Energy sẽ đảm nhiệm vai trò cung cấp hệ thống pin lưu trữ năng lượng BESS tiên tiến. Hệ thống được nghiên cứu - phát triển (R&D), sản xuất và lắp đặt tại Việt Nam. Sự tham gia của VinFast Energy không chỉ khẳng định năng lực sản xuất nội địa mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp năng lượng trong nước.

Trong khi đó, Schneider Electric sẽ cung cấp những giải pháp điều khiển hệ thống lưới điện vi mô (microgrid) tiên tiến cùng các thiết bị điện liên quan. Các giải pháp trên sẽ giúp tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao hiệu suất năng lượng, đồng thời tạo ra một khối hệ thống năng lượng thông minh, linh hoạt và tối ưu.

Các đơn vị ký kết hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng

Phối hợp chặt chẽ cùng hai đơn vị trên là ESEC – công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyên sâu, thiết kế và thi công lắp đặt, sử dụng những giải pháp điều khiển microgrid cùng với hệ thống phân phối điện năng mà Schneider Electric cung cấp. Việc kết hợp trên sẽ mang lại những giải pháp tối ưu giúp quản lý được đồng bộ và điều hành hệ thống năng lượng hiệu quả hơn.

Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng cho ngành pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển giải pháp năng lượng bền vững và hiện đại. Qua hợp tác, các bên cam kết mang đến sản phẩm - dịch vụ tích hợp toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hệ thống năng lượng, đồng thời cung cấp giải pháp tổng thể, trọn gói cho hệ thống lưới điện vi mô và BESS, thúc đẩy sự chuyển mình của ngành năng lượng Việt Nam.

Ngân Hà