Việt – Đức: Đồng hành và hợp tác trong tiến trình chuyển dịch năng lượng xanh
Cùng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, hai quốc gia đã gặp phải những thách thức tương tự trong quá trình vận hành hệ thống điện. Đại diện BMWK đã có buổi trao đổi tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào sáng ngày 29/11 về việc tích hợp năng lượng tái tạo hướng tới chuyển dịch năng lượng xanh. Nhiều sáng kiến số đã được phía Đức chia sẻ, bao gồm việc thiết kế thị trường tập trung vào cả sản xuất và tiêu thụ, tính toán giá điện thời gian thực, lấy nhà tiêu dùng làm trung tâm; xây dựng các nền tảng đấu thầu dịch vụ quản lý nghẽn lưới…
Cũng trong ngày 29/11, một hội thảo về hoạt động của câu lạc bộ Hiệu quả năng lượng được thảo luận giữa các đại diện của BMWK, đại diện các hiệp hội về thiết bị điện, năng lượng và môi trường Đức với Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) và Trung tâm nghiên cứu và phát triển về Tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM). Các câu lạc bộ này sẽ giúp kết nối các doanh nghiệp có địa bàn gần nhau, đặc thù tương đối giống nhau có thể hỗ trợ nhau về kỹ thuật, máy móc, thiết bị. Qua đó giúp nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán năng lượng và quản lý năng lượng.
Chương trình đối thoại “Xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam”
Chính sách phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng hydrogen xanh tại Việt Nam là những chủ đề chính tại phiên đối thoại ngày 30/11. Các kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng khung chính sách phát triển năng lượng tái tạo đã được chia sẻ tại sự kiện, luật năng lượng tái tạo cần gắn với chiến lược trong dài hạn của quốc gia và toàn cầu, thống nhất với chính sách ngành cũng như chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng. Chương trình đã thu hút gần 400 người quan tâm và tham dự các buổi hội thảo theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Các tập đoàn lớn châu Âu sẵn sàng đầu tư vào ngành điện gió tại Việt Nam
Trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022 diễn ra tại TPHCM mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của châu Âu như Equinor, CIP, Mainstream, Vestas, Airbus, HSBC, Suez, Siemens Gamesa, Schneider…
Tại buổi tiếp, Thủ tướng cho rằng hoạt động triển lãm trưng bày sản phẩm và công nghệ xanh lần này cho thấy trách nhiệm cao và năng lực to lớn của các doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án theo hướng đầu tư xanh gắn với tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng nhân văn, bền vững. Qua đó giúp đẩy nhanh tiến trình thực thi có hiệu quả các kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của châu Âu. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022 rất quan trọng, cổ vũ Việt Nam thực hiện chiến lược này. Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, Việt Nam mong muốn có sự hợp tác, hỗ trợ về nguồn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về thị trường, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị phát triển xanh, chuyển đổi xanh.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp châu Âu tận dụng cơ hội tăng cường kết nối với các đại diện sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tham dự sự kiện; đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trên tinh thần tất cả đều thắng, với phương châm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và các thành viên đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt như công nghệ cao, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo…
Đại diện các doanh nghiệp có mặt tại buổi làm việc cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhiều tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng gió của Việt Nam. Một hội đồng gồm các tập đoàn lớn đã được thành lập nhằm tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu "xanh và trách nhiệm hơn". Các doanh nghiệp khẳng định sẽ hợp tác, giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu này.
Chia sẻ cơ hội hợp tác và phát triển điện gió tại Việt Nam
Mới đây, Hội nghị điện gió Việt Nam năm 2022 diễn ra trong hai ngày 1 và 2/12 tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện để chính phủ và ngành điện gió thảo luận về các vấn đề cấp bách xung quanh việc phát triển năng lượng gió ở Việt Nam. Đây được xem là diễn đàn quan trọng và hiệu quả để ngành công nghiệp điện gió Việt Nam nhận được nhiều đóng góp quý báu, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển chuỗi cung ứng, tăng cường nội địa hóa và nhiều vấn đề khác, nhằm thúc đẩy hiện thực hóa lộ trình phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Đồng thời các bên liên quan ngành công nghiệp điện gió gặp nhau trực tiếp, kết nối và mở ra khả năng hợp tác, đặc biệt giữa các công ty nước ngoài và các công ty Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với điện gió ngoài khơi, cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn
Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, đối với điện gió ngoài khơi, cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Nguồn điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đến năm 2030 vẫn là nguồn điện có chi phí đầu tư xây dựng cao. Bên cạnh đó, phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi cao về hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng vận hành của hệ thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với tính phức hợp của dự án điện gió ngoài khơi (gồm cả công trình trên bờ và trên biển), cần thiết phải hoàn thiện các văn bản luật và dưới luật, hoàn chỉnh các quy định về khảo sát dự án, giao khu vực biển, đánh giá tác động môi trường…
Nhiều nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại hội nghị như: chính sách năng lượng và phát triển điện gió; vai trò của hợp tác quốc tế đối với phát triển gió tại diễn đàn Việt Nam; quan điểm trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của điện gió Việt Nam; chiến lược và thực tiễn tốt nhất về phát triển chuỗi cung ứng điện gió trên bờ của Việt Nam; chiến lược vận hành và bảo trì trên bờ...
Bên cạnh đó là một loạt các phiên thảo luận và phiên họp liên quan đến các nội dung: hợp đồng mua bán điện trực tiếp; cấp giấy phép cho điện gió ngoài khơi; đấu giá và cơ chế khác cho hỗ trợ điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; công nghệ, lưu trữ điện gió nổi và hydro xanh...