Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 5/2021

Chủ nhật, 7/2/2021 | 20:31 GMT+7
Việc sử dụng năng lượng hiệu quả cho phát triển kinh tế trong ngành giao thông vận tải là một nội dung quan trọng trong các chiến lược và quy hoạch phát triển của quốc gia.

Diễn đàn “Sử dụng năng lượng hiệu quả phát triển kinh tế giao thông”

Năm 2020, cả thế giới phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, nền kinh tế không thể tránh khỏi những ảnh hưởng nặng nề song Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực để duy trì những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà trong đó, ngành năng lượng là mạch máu, đóng vai trò then chốt hơn cả. Mặt khác, ngành giao thông vận tải là một trong các hệ thống hạ tầng thiết yếu khuyến khích tăng trưởng, phát triển kinh tế, đặc biệt một hệ thống giao thông thuận tiện góp phần tối ưu hóa và nhanh chóng hơn trong vận tải làm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng cũng như thời gian tiêu thụ năng lượng. Chính vì vậy, việc sử dụng năng lượng hiệu quả cho phát triển kinh tế trong ngành giao thông vận tải là một nội dung quan trọng trong các chiến lược và quy hoạch phát triển của quốc gia.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 280/QĐ-TTg về việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030; năm 2020, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã cho thấy rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước về việc nâng cao hiệu quả và sử dụng tiết kiệm năng lượng quốc gia. 

Nhằm thực hiện đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, ngày 5/2, tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình Diễn đàn “Sử dụng năng lượng hiệu quả phát triển kinh tế giao thông”. 

Quang cảnh diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Mai Duy Thiện, Tổng biên tập tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết: Theo thống kê, trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng năng lượng trong nước tăng nhanh gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người và vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt về tốc độ. Do vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang là vấn đề cấp bách của toàn Đảng, toàn dân. Việc tổ chức cung cấp nguồn năng lượng một cách tối ưu, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân, trong đó có kinh tế giao thông phát triển bền vững cần được đặc biệt quan tâm.

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và được khẳng định trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những mục tiệu được đề ra trong Nghị quyết 55 là khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với sản xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, khuyến khích doanh nghiệp đưa ra các sáng kiến trong đơn vị của mình góp phần sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả và tiết kiệm.

“Tôi hy vọng với chương trình của diễn đàn ngày hôm nay, chúng ta sẽ có một phiên thảo luận có ý nghĩa, nêu ra được những vấn đề cốt lõi và các giải pháp đúng đắn trong sử dụng năng lượng hiệu quả phát triển kinh tế giao thông, trong việc sử dụng năng lượng có hiệu quả”, TS. Mai Duy Thiện nhấn mạnh.

Diễn đàn có sự tham dự của các đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương, các Hiệp hội cùng đông đảo doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải. Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như: nâng cao tính thực thi của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giải pháp giảm ô nhiễm môi trường do phương tiện vận tải gây ra tại các đô thị Việt Nam; nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hóa và công nghệ vật liệu mới nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải trong động cơ đốt trong; phát triển và hợp tác quốc tế sản xuất các sản phẩm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng...

Ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam chi nhánh Sài Thành (Vietcombank Sài Thành) và Công ty CP Điện gió Trung Nam Trà Vinh 1 (TNTVWP1) mới đây đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1.

Ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1

Dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1 do TNTVWP1 (thuộc Trungnam Group) thực hiện, có công suất 100MW, quy mô 25 trụ tuabin gió, trên vùng diện tích 1.646 ha, cách bờ biển 3,5km, nằm ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Dự án có đường dây 220kV mạch đơn nối từ Nhà máy điện gió Đông Hải 1 đấu nối vào thanh cái 220kV Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh, có chiều dài 11,2km. Dự án được thực hiện với mục đích tạo nguồn phát điện và liên kết hệ thống điện lưới quốc gia nhằm cung cấp bổ sung nguồn điện cho tỉnh Trà Vinh và các vùng lân cận. Dự án có tổng mức đầu tư trên 4.990 tỷ đồng, trong đó vốn của chủ đầu tư trên 1.790 tỷ đồng và vốn vay Vietcombank gần 3.200 tỷ đồng. 

Việc ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1 giữa Trungnam Group và Vietcombank có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra sự hợp tác, phát triển toàn diện giữa hai bên khi ưu tiên sử dụng các dịch vụ của nhau và hỗ trợ trong tư vấn xây dựng chiến lược, quản trị nguồn vốn tối đa để cùng thắt chặt mối quan hệ song phương, đạt những thành tựu vững chắc trong tương lai.

Tỉnh Quảng Trị điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án điện gió

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng mới đây đã ký các quyết định về việc chấp thuận chủ trương điều chỉnh 2 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất gần 100MW tại huyện Hướng Hóa.

Theo đó, dự án Nhà máy điện gió Phong Nguyên đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận lần đầu ngày 20/9/2019 tại Quyết định chủ trương đầu tư số 2531/QĐ-UBND, chứng nhận thay đổi lần thứ nhất ngày 17/4/2020 tại Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 1018/QĐ-UBND và chứng nhận thay đổi lần 2 ngày 2/2/2021 tại văn bản số 253/UBND-CN. Dự án do Công ty CP điện gió Phong Nguyên có địa chỉ trụ sở tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa làm chủ đầu tư.

Theo văn bản số 253/UBND-CN ngày 2/2/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị, dự án Nhà máy điện gió Phong Nguyên có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.911 tỷ đồng; công suất thiết kế 48MW. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp: điện năng với sản lượng điện dự kiến 158,38 triệu KWh. Dự án được triển khai thực hiện tại xã Tân Thành, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa với diện tích mặt đất dự kiến sử dụng: đất chiếm dụng có thời hạn 16,46 ha, đất chiếm dụng tạm thời 9,2 ha.

Ảnh minh họa

Tiến độ hoàn thành Nhà máy điện gió Phong Nguyên đồng bộ với tiến độ hoàn thành các trạm 110kV Phong Liệu, trạm 220 kV Hướng Tân, trạm 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Lao Bảo – Đông Hà. Dự kiến tháng 5/2021 đến tháng 8/2021 lắp dựng tuabin, tháng 8/2021 đến tháng 10/2021 thí nghiệm, hiệu chỉnh và nghiệm thu hoàn thành đóng điện, vận hành phát điện. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu - ngày 20/9/2019.

Dự án thứ 2 là Nhà máy điện gió Liên Lập. Dự án này được UBND tỉnh Quảng Trị cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 199/QĐ-UBND ngày 24/01/2019, Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 852/QĐ-UBND ngày 17/4/2020. Dự án do Công ty CP điện gió Liên Lập, có địa chỉ trụ sở tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa làm chủ đầu tư.

Ngày 02/02/2021, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành văn bản số 254/UBND-CN về việc chấp thuận chủ trương đầu tư (chứng nhận thay đổi lần 2: ngày 02/02/2021). Cụ thể, dự án Nhà máy điện gió Liên Lập được triển khai thực hiện tại xã Tân Liên, xã Tân Lập, xã Hướng Tân và thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.973 tỷ đồng. Công suất thiết kế 12 tuabin gió, công suất mỗi tuabin khoảng 4MW, tổng công suất 48MW. Điện lượng trung bình là 158,8GWh/năm; diện tích đất dự kiến sử dụng 48 ha. Tiến độ thực hiện dự án theo kế hoạch: quý II/2020, khởi công và thi công công trình; quý III/2021, hoàn thành phát điện. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu - ngày 24/01/2019.

Ngân Hà