Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 4/2021

Thứ hai, 1/2/2021 | 09:10 GMT+7
Đề án Phát triển điện mặt trời trên mái nhà TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 đặt ra mục tiêu chung, đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) toàn TP khoảng 169,54MW.

TP Đà Nẵng: Mục tiêu năm 2025, tổng công suất lắp đặt ĐMTMN đạt gần 170MW

UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 12/1/2020 phê duyệt Đề án Phát triển điện mặt trời trên mái nhà TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035.

Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu chung, đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt ĐMTMN toàn TP khoảng 169,54MW (khoảng 17,76% tiềm năng kỹ thuật), sản lượng ĐMTMN tương ứng khoảng 247.535MWh, đóng góp khoảng 3,89% tổng nhu cầu điện toàn TP (6.355.600MWh). Đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt ĐMTMN toàn TP khoảng 293,92MW (khoảng 30,78% tiềm năng kỹ thuật), sản lượng ĐMTMN tương ứng khoảng 429.128MWh, đóng góp khoảng 4,8% tổng nhu cầu điện toàn TP (8.939.600MWh). Đến năm 2035, tổng công suất lắp đặt ĐMTMN toàn TP khoảng 402,24MW (khoảng 42,13% so với tiềm năng kỹ thuật), sản lượng ĐMTMN tương ứng khoảng 587.273 MWh, đóng góp khoảng 4,84% tổng nhu cầu điện toàn TP (12.127.700MWh).

Đề án đề ra các nhóm giải pháp hỗ trợ đầu tư và phát triển ĐMTMN bao gồm: giải pháp về chính sách, đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước và giải pháp về xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu, hợp tác phát triển. 

TP Đà Nẵng sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách TP để thực hiện kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTMN theo từng giai đoạn 5 năm

Cụ thể: TP Đà Nẵng sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách TP để thực hiện kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTMN theo từng giai đoạn 5 năm, trong đó chú trọng phát triển ĐMTMN tại trụ sở công và các mái nhà trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư ĐMTMN (lĩnh vực năng lượng mới) được hưởng các hỗ trợ về lãi suất vay theo Nghị quyết số 149/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND TP quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn TP.

Nâng cao năng lực quản lý phát triển ĐMTMN tại các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nhằm thống nhất mục tiêu, định hướng và lộ trình phát triển trong từng giai đoạn, đồng bộ tại các cấp quản lý; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng kế hoạch hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc phát triển nguồn nhân lực về điện mặt trời, nâng cao nhận thức và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điện mặt trời.

Để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, UBND TP cũng đề ra việc xây dựng kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTMN TP Đà Nẵng giai đoạn 05 năm và kế hoạch hàng năm để thực hiện các giải pháp hỗ trợ, đánh giá hiệu quả và xây dựng, điều chỉnh lộ trình phát triển cho phù hợp, trong đó tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển ĐMTMN tại trụ sở công đáp ứng mục tiêu đề ra.

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, thẩm định dự án, cấp phép xây dựng, giám sát hoạt động đầu tư ĐMTMN.

Tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực đầu tư phát triển điện mặt trời, công khai các kết quả khảo sát và bản đồ tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời để nhà đầu tư, người dân thuận lợi trong quá trình đầu tư lắp đặt.

Tranh thủ các nguồn vốn tài trợ ODA, phi chính phủ nước ngoài để nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn TP có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư ĐMTMN.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức hội thảo về chính sách, cơ chế của Nhà nước, các mô hình hợp tác phát triển ĐMTMN hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về lợi ích của việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, góp phần thúc đẩy phát triển ĐMTMN.

Đẩy mạnh tổ chức hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu giữa các cơ sở sản xuất công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, người dân và các đơn vị cung ứng mô hình, giải pháp về kỹ thuật, tài chính trong lĩnh vực điện mặt trời để khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển điện mặt trời.

UBND TP giao Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo; Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng; UBND các quận, huyện; Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực Quyết định hiệu quả để khuyến khích phát triển ĐMTMN nhằm tận dụng, khai thác có hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời trên địa bàn, góp phần xây dựng Đà Nẵng là TP phát triển bền vững, môi trường.

Phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng tích hợp điện mặt trời

Hội thảo Lợi ích của hệ thống lưu trữ năng lượng tích hợp điện mặt trời và các khuyến nghị về chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực lưu trữ năng lượng vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng cho biết: Thực trạng khai thác điện mặt trời trong thời gian qua cho thấy, tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời trong tương lai là rất lớn, dự kiến sẽ đạt 20.000MW vào năm 2030. Thậm chí, trong Quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng đã phân tích và dự kiến tiềm năng lớn phát triển năng lượng mặt trời mái nhà có thể lên tới gần 50.000MW. Do đó, bức tranh về tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời là rất lớn so với thực tiễn.

Tuy nhiên, thực tế, hiện nay, cơ cấu nguồn và phân bổ nguồn của chúng ta chưa đồng đều, năng lượng mặt trời hiện chỉ tập trung chủ yếu ở Nam Trung Bộ, trong khi năng lượng than và dầu khí tập trung ở phía Bắc, còn thủy điện thì rải rác miền ở miền Trung và miền Bắc, dẫn tới việc trao đổi liên kết giữa các vùng miền rất phức tạp và nguồn chưa đủ cân đối. Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện của chúng ta có tổng số giờ, phút quá tải các đường dây tương đối lớn, nhiều khu vực vào đợt cao điểm quá tải hơn 100%, thậm chí quá tải cục bộ, từ đó xuất hiện nhiều khó khăn trong vận hành, cụ thể như không trùng hợp giữa nguồn phát của điện mặt trời và nhu cầu truyền tải của hệ thống.

Hệ thống lưu trữ năng lượng là giải pháp chi phí thấp và ít phát thải để cung cấp điện trong giờ cao điểm, thay thế các nguồn điện phủ đỉnh chi phí cao và phát thải lớn

“Với dự kiến trong tương lai theo Tổng sơ đồ điện VIII, từ năm 2030 cho đến năm 2045 nhu cầu điện năng rất lớn, trong khi năng lượng mặt trời sẽ có sự tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng, từ đó đặt vấn đề, cần phải có hệ thống lưu trữ, tích trữ điện”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, để đáp ứng nhu cầu phụ tải trong tương lai, có nhiều phương pháp tích hợp các công nghệ mới có thể có ích cho Việt Nam, ví dụ như hệ thống lưu trữ năng lượng (Energy Storage System – ESS).

Theo ông Mark Lesile, Giám đốc Điều hành nhóm giải pháp và công nghệ năng lượng, Công ty tài chính Macquarie, hệ thống lưu trữ năng lượng là giải pháp chi phí thấp và ít phát thải để cung cấp điện trong giờ cao điểm, thay thế các nguồn điện phủ đỉnh chi phí cao và phát thải lớn. Đây là giải pháp hỗ trợ tích hợp nguồn điện mặt trời vào lưới điện bằng cách giới hạn công suất phát lên lưới để hỗ trợ cho quá trình nạp xả của hệ thống lưu trữ. Giải pháp này rẻ hơn, ít phát thải hơn các dạng nguồn có thể dự báo, ví dụ như than, khí...

Theo đại diện Công ty Năng lượng Blueleaf Energy, hệ thống lưu trữ năng lượng cho phép sử dụng điện mặt trời chi phí thấp vào giờ trưa để sạc và xả vào giờ cao điểm để đáp ứng phụ tải đỉnh. Trong thời gian qua, việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo phát lên hệ thống đã đặt ra nhiều thách thức khi cân bằng năng lượng trong thời điểm phụ tải thấp. Càng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo thì càng giảm năng lượng truyền thống; điều này sẽ làm suy giảm khả năng điều tiết hệ thống điện. Nguồn điện mặt trời không liên tục và biến động thất thường nên có thể gây ra những vấn đề về tần số, điện áp, điều độ đối với đơn vị vận hành lưới điện. Việc kết hợp giữa điện mặt trời và hệ thống lưu trữ có thể làm mịn đặc tính phát, do đó gây ít tác động đến vận hành lưới điện, giúp nguồn phát điện mặt trời ổn định hơn. Từ đó, giảm phụ thuộc vào nguồn diesel/HFO để cung cấp phụ tải đỉnh.

Đồng thời, giải pháp này có thể tăng số lượng các nguồn phát có thể dự báo được cung cấp nội địa và không phụ thuộc vào giá nhiên liệu hay rủi ro tỷ giá...

Bổ sung Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) vào quy hoạch 

Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) vừa được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Ngày 25/1 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đề nghị bổ sung Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Theo đó, sau khi nghe các báo cáo liên quan đến dự án trung tâm điện khí nói trên tại cuộc họp diễn ra vào ngày 20/1 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Thường trực Chính phủ thống nhất bổ sung Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Trong đó, bổ sung giai đoạn 1 quy mô công suất 1.500MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ đưa vào vận hành năm 2026 - 2027; quy mô công suất và tiến độ giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Đề án Quy hoạch điện VIII.

Ảnh minh họa

Cũng theo thông báo kết luận, nguồn khí cung cấp cho dự án điện khí nói trên có tính đến khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị như Kèn Bầu, Báo Vàng… Thủ tướng Chính phủ lưu ý, UBND tỉnh Quảng Trị lựa chọn nhà đầu tư cần đảm bảo đúng quy định của pháp luật và hiệu quả tốt nhất cho đất nước.

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng có địa điểm đề xuất thuộc khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Quảng Trị với quy mô công suất 4.500MW. Dự án hoàn thành sẽ cấp đấu nối lưới điện 500kV từ sân phân phối nhà máy điện đến trạm biến áp 500kV Quảng Trị. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ kéo theo một loạt các nhà máy, dịch vụ khác phát triển tại khu kinh tế Đông Nam.

PV