Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 52/2020

Thứ hai, 4/1/2021 | 09:08 GMT+7
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 quyết định phê duyệt Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Phạm vi Đề án bao gồm 03 phân ngành năng lượng (than, khí và điện lực) giữ vai trò quan trọng, chủ chốt trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam.

Mục tiêu của Đề án nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước; cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của nhà nước, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử, thu hút và đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước.

Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành than, khí và điện lực; bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định

Thị trường than: thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đối với việc cung cấp than cho sản xuất điện (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng cung cấp than) và xuất khẩu than; từng bước chuyển đổi thị trường than theo hướng thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh, các chủ thể tham gia thị trường thực hiện giao dịch, mua bán than, cung cấp các dịch vụ cho việc giao dịch, mua bán than tuân thủ quy định và thông lệ của thị trường.

Thị trường khí: từng bước xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để triển khai mô hình kinh doanh cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh khí CNG, LPG và LNG: xây dựng lộ trình, vận hành thị trường cạnh tranh phân phối khí hạ nguồn với việc đưa vào áp dụng quy định quyền được thuê và sử dụng hạ tầng của bên thứ ba; tiếp tục thực hiện các cam kết của Chính phủ và cam kết thương mại đã ký đối với các hệ thống thu gom, phân phối khí phát triển trên cơ sở các dự án khai thác khí trong nước.

Thị trường điện: củng cố phát triển mở rộng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tạo tiền đề vững chắc để chuyển đổi sang giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp khí: doanh nghiệp nhà nước chuyên ngành (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam) có vai trò chủ chốt trong việc triển khai mô hình kinh doanh khí, đặc biệt là công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhập khẩu khí cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác trên cơ sở phát huy nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có; xây dựng đơn vị có thương hiệu mạnh về kinh doanh khí mang tính quốc tế từng bước phát triển thị trường trong khu vực và thế giới, tham gia sâu rộng vào tất cả các khâu cung ứng của chuỗi giá trị LNG bao gồm đầu tư vào khâu thượng nguồn, hóa lỏng, vận chuyển và kinh doanh. Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm triển khai công tác đầu tư, xây dựng các dự án khí theo quy hoạch và chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các doanh nghiệp được Nhà nước giao triển khai dự án nhập khẩu LNG có trách nhiệm tổ chức xây dựng các cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu LNG; quản lý vận hành và nhập khẩu LNG theo quy định;

Chủ trì nghiên cứu phương án khai thác, sử dụng các nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh, Lô B và các mỏ khác: phương án nhập khẩu LNG, tái hóa khí và cung cấp cho hộ tiêu thụ khí hợp lý và đảm bảo hiệu quả, phù hợp với nhu cầu sử dụng; báo cáo Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh than: thực hiện nhiệm vụ khai thác, cung ứng than theo định hướng trong quy hoạch, kế hoạch và hợp đồng với các đơn vị sử dụng than. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc cung cấp than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước phù hợp lộ trình phát triển thị trường than; đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam: đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện theo các cấp độ. Triển khai thực hiện các quy định, kế hoạch và tái cấu trúc Tập đoàn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lên tới gần 9.300 MWp

Theo số liệu cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến hết ngày 31/12/2020, 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMTMN lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,15 tỷ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

ĐMTMN hát triển bùng nổ, tổng công suất lắp đặt đã lên tới gần 9300 MWp

Có thể nói trong những năm gần đây, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (các Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đã mang lại sự phát triển bùng nổ đối với năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng ở Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là ĐMTMN), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. 

Khánh thành Nhà máy điện mặt trời VNECO Vĩnh Long 49,3 MW

Lễ khánh thành Nhà máy điện mặt trời VNECO Vĩnh Long mới đây đã diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long.

Nhà máy năng lượng mặt trời VNECO Vĩnh Long chính thức được khởi công xây dựng ngày 6/11/2020. Dự án có tổng công suất 49,3 MW, được xây dựng trên diện tích 49,7 ha và có tổng mức đầu tư 1.156 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, sản lượng điện mỗi năm dự kiến đạt khoảng 70 triệu kW, tương đương lượng điện sử dụng cho 26.000 hộ dân và 19.000 tấn CO2 được giảm thải. Đây là dự án nằm trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến 2035.

Tỉnh Vĩnh Long có những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời. (Ảnh minh họa)

Theo Sở Công Thương, tỉnh Vĩnh Long có tiềm năng bức xạ khoảng 4,67 kWh/m2 ngày. Thời gian chiếu sáng bình quân năm đạt 2.550 - 2.700 giờ/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời. 

Nhà máy điện mặt trời VNECO Vĩnh Long là dự án khởi đầu cho các dự án năng lượng mặt trời tại Vĩnh Long, sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm tại địa phương, góp phần ổn định an sinh xã hội. Hơn thế nữa, dự án sẽ bổ sung nguồn năng lượng sạch vào hệ thống lưới điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời đóng góp vào nỗ lực chung trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện chủ đầu tư cho biết sẽ luôn vận hành nhà máy đúng quy định, không gây ra ô nhiễm môi trường trong giai đoạn vận hành, đặc biệt là luôn bảo vệ môi trường trong quá trình thay thế và xử lý tấm pin.

PV