Báo cáo về vấn đề khủng hoảng tài nguyên nước toàn cầu

Thứ sáu, 17/3/2023 | 14:39 GMT+7
Ngày 17/3, Ủy ban Toàn cầu về kinh tế nguồn nước công bố báo cáo “Đảo ngược tình thế: Lời kêu gọi hành động tập thể” để cảnh báo về sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nguồn nước đang diễn ra trên toàn cầu.

Theo báo cáo, quản trị đa phương về nước hiện đang bị phân tán và không đáp ứng được các thách thức. Chính sách thương mại chưa sử dụng nước bền vững, làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm ở các khu vực căng thẳng về nước. Trong khi đó, hợp tác đa phương chưa hỗ trợ xây dựng năng lực cho tất cả mọi người trong quá trình ra quyết định về nguồn nước, đặc biệt là người nông dân, phụ nữ, thanh niên, người dân bản địa, cộng đồng địa phương và người tiêu dùng nước.

Cuộc khủng hoảng nguồn nước hiện có liên quan và có tác động qua lại đến sự nóng lên toàn cầu, mất đa dạng sinh học. Các hoạt động của con người đang làm thay đổi lượng mưa và nguồn cung cấp nước ngọt, dẫn đến sự thay đổi nguồn cung cấp nước trên thế giới.

Công bố báo cáo “Đảo ngược tình thế: Lời kêu gọi hành động tập thể”

Tại lễ công bố, các tác giả của báo cáo nhấn mạnh, nếu thất bại trong việc xử lý cuộc khủng hoảng này thì thế giới sẽ thất bại trong hành động chống biến đổi khí hậu, cũng như trong thực hiện tất cả các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Theo ông Johan Rockström, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam, đồng chủ tịch Ủy ban Toàn cầu về kinh tế nguồn nước, sẽ là thiếu sót lớn nếu đưa ra quan điểm về biến đổi khí hậu mà không tính đến yếu tố nguồn nước, bởi nền nhiệt trái đất nóng lên mỗi 1°C sẽ làm tăng thêm khoảng 7% độ ẩm vào vòng tuần hoàn của nước, khiến chu trình này mạnh lên, dẫn đến ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn. Do đó, nước vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của biến đổi khí hậu.

Đồng chủ tịch Uỷ ban Toàn cầu về kinh tế nguồn nước, ông Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết: “Chúng ta cần phát triển một nền kinh tế mới về nước để giúp giảm lãng phí nguồn nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước và tạo cơ hội cho sự công bằng hơn về nước”.

Không thể đưa nguồn nước trở lại quỹ đạo bền vững nếu không có công lý và bình đẳng ở mọi nơi trên thế giới. Thế giới chỉ có thể thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng bằng cách hành động tập thể và cần phải hành động khẩn trương ngay trong thập kỷ hiện tại.

Báo cáo nêu rõ, điều quan trọng là thế giới phải công nhận và quản lý vòng tuần hoàn nước như một lợi ích chung toàn cầu, đồng thời khôi phục và bảo vệ nó cho tất cả mọi người. Để thiết kế một nền kinh tế mới bảo vệ vòng tuần hoàn của nước, Ủy ban Toàn cầu về kinh tế nguồn nước đề xuất một phương pháp tiếp cận tập trung vào kết quả và sứ mệnh, phản ánh nhiều vai trò của nước đối với sức khỏe con người. Phương pháp tiếp cận đó phải huy động các bên liên quan về nguồn nước, bao gồm khu vực công - tư, các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương; sử dụng chính sách đổi mới để đưa ra các giải pháp cho các vấn đề cụ thể, đồng thời tăng quy mô đầu tư vào nguồn nước thông qua các hình thức hợp tác công - tư mới.

Lưu ý, các giải pháp có kết hợp mục tiêu cho người nghèo, người dễ bị tổn thương và đảm bảo định giá hợp lý tài nguyên nước sẽ giúp nước được sử dụng hiệu quả hơn trong mọi lĩnh vực, đồng thời mang lại sự công bằng trong sử dụng nước ở các địa phương, tạo ra tính bền vững hơn trong sử dụng nước ở cả quy mô quốc gia và toàn cầu.

Thế giới cũng nên hành động để tận dụng các cơ hội nhằm tạo ra các thay đổi đáng kể trong thập kỷ hiện tại. Bao gồm: củng cố các hệ thống lưu trữ nước ngọt; phát triển kinh tế nước tuần hoàn đô thị, nhất là tái chế nước thải công nghiệp và đô thị; giảm “dấu chân nước” trong sản xuất; chuyển đổi sang tưới tiêu chính xác, cây trồng ít sử dụng nước và canh tác chống chịu hạn hán trong nông nghiệp.

Dịp này, nhóm tác giả cũng đề xuất thiết lập Đối tác Nguồn nước công bằng (JWP) để cho phép đầu tư vào khả năng tiếp cận nguồn nước, khả năng phục hồi và tính bền vững ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia và lợi ích chung toàn cầu.

Thanh Tâm