Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước

Thứ ba, 14/3/2023 | 11:15 GMT+7
Mới đây, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã làm việc với đại diện các tổ chức quốc tế về hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Tại buổi làm việc, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Cục Quản lý tài nguyên nước đã cùng trao đổi, chia sẻ về công tác quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam, các dự án mà FAO và IUCN dự kiến triển khai nhằm thúc đẩy an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông xuyên biên giới tại Việt Nam.

Theo đó, về dự án “Tăng cường tính bền vững của tầng chứa nước xuyên biên giới Campuchia - đồng bằng sông Cửu Long”, bà Konstantina Toli, đại diện FAO cho biết, dự án nhằm tăng cường tính bền vững về môi trường, an ninh nguồn nước ở hạ lưu khu vực sông Mê Kông, thông qua việc tập trung cải thiện quản trị và sử dụng bền vững tầng chứa nước xuyên biên giới Campuchia - đồng bằng sông Cửu Long.

Cục Quản lý tài nguyên nước đã làm việc với đại diện các tổ chức quốc tế về hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên nước

Dự án gồm 5 hợp phần: hợp tác đánh giá dựa trên cơ sở khoa học đối với động lực nước ngầm, các tác động lên hệ sinh thái và sinh kế. Thí điểm các giải pháp cải thiện quản lý nước ngầm xuyên biên giới, với kết quả dự kiến là trình diễn thí điểm về quản lý và sử dụng nước ngầm sáng tạo để cải thiện việc bổ cập nước ngầm, giảm khai thác nước ngầm, cân bằng hệ sinh thái/sinh kế. Cơ chế hợp tác xuyên biên giới với các kết quả dự kiến là thiết kế hài hòa các mạng lưới và quy trình giám sát nước ngầm; xây dựng thỏa thuận về cơ chế và thủ tục trao đổi dữ liệu nước ngầm; thiết kế cơ quan điều phối và tham vấn xuyên biên giới thường trực.

Chiến lược và chương trình hành động chung với các kết quả dự kiến là các nước thành lập ủy ban liên bộ đặc biệt; xây dựng một tầm nhìn dài hạn được chia sẻ, bao gồm thỏa thuận về các mục tiêu chất lượng môi trường; chương trình hành động chiến lược (SAP) với thời hạn 5 năm phù hợp với tầm nhìn chung. Tăng cường thể chế, cải thiện sự tham gia, lồng ghép giới, giám sát và điều phối với kết quả dự kiến là xây dựng năng lực có cấu trúc trong quản lý nước ngầm cho những người ra quyết định cùng các bên liên quan.

Về dự án “Thúc đẩy an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã và sông Neum/sông Cả và vùng ven biển liên quan”, đại diện FAO chia sẻ, dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam và Lào thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước ngọt và duy trì sức khỏe hệ sinh thái lưu vực các sông biên giới thuộc lưu vực sông Mã, sông Neun/sông Cả và vùng ven biển thông qua các nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác và hành động xuyên biên giới.

Dự án được triển khai tại các tỉnh nằm trong lưu vực sông Mã, sông Cả ở Lào và Việt Nam. Cục Quản lý tài nguyên nước Việt Nam có trách nhiệm phụ trách hợp phần giải pháp thử nghiệm trên thực địa tại địa bàn thuộc dự án, với kết quả chính là các mô hình trình diễn thí điểm được lựa chọn trên cơ sở các kết quả và phát hiện của hợp phần 1 (dự báo lũ lụt và hỗ trợ công tác chuẩn bị cho cộng đồng, xây dựng hệ thống thủy lợi thân thiện với cá).

Phát biểu tại buổi họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà đánh giá cao kế hoạch của các dự án đực FAO hỗ trợ trên. Đồng thời, nhấn mạnh, Cục sẽ sớm tổ chức cuộc họp trao đổi và làm việc trực tiếp với các cơ quan để dự án đạt được hiệu quả.

Dịp này, Phó Cục trưởng cũng cho biết đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường về các văn kiện để các bên sớm ký kết biên bản hợp tác.

Kim Bảo