Bảo vệ, mở rộng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt tỉnh Đồng Nai

Thứ hai, 15/1/2024 | 16:37 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND về việc bảo vệ, mở rộng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; các hồ, đập chứa nước, từng bước xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện và nâng cao chất lượng nước mặt; thực hiện cân bằng, an toàn nguồn nước giữa chức năng cấp nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững khác; gìn giữ cảnh quan thiên nhiên xanh, sạch, đẹp kết hợp du lịch sinh thái trên sông, hồ, đập chứa nước.

Xây dựng mô hình quản lý môi trường nước mặt phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống; gắn quyền lợi của người khai thác, sử dụng tài nguyên nước với nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường nước nhằm hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững.

Bảo vệ, mở rộng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Đồng Nai phấn đấu bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; bảo đảm mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận sử dụng nước sạch, công bằng, hợp lý.

Chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại từ thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm sức khỏe, đời sống, sản xuất của người dân; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống; chủ động ứng phó khi có sự cố, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân.

Gắn kết chặt chẽ quy hoạch phát triển thủy lợi với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác, nhằm đạt được mục tiêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh đến năm 2030 đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả. Nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nước để phát triển bền vững, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm nước.

Kế hoạch nêu 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành được các mục tiêu trên gồm: nhóm giải pháp bảo vệ nguồn nước mặt; mở rộng nguồn nước mặt; nhóm giải pháp về quản lý.

Trong đó, về giải pháp bảo vệ nguồn nước mặt, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu kiểm soát tốt việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm, thực hiện hạn chế khai thác nước dưới đất; rà soát, đánh giá lại công năng, nhiệm vụ, quy trình vận hành đập, hồ chứa nước so với thiết kế ban đầu để có giải pháp nâng cao năng lực trữ nước, ứng phó với mưa lũ cực đoan. Xây dựng và thực hiện các chương trình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của các Sở, ngành địa phương và doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý tài nguyên nước, quản lý chất lượng nước. Tập trung hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và không đáp ứng khả năng chống lũ; chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Về nhóm giải pháp mở rộng nguồn nước mặt, cần quy hoạch, bố trí và xây dựng thêm các hồ chứa thủy lợi, nhất là ở các địa phương xa nguồn nước mặt và không có nhiều hồ chứa thủy lợi để trữ nước. Điều hòa, phân phối nguồn nước từ các công trình thủy lợi cho các nhu cầu sử dụng nước, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Hoàn thành lập, điều chỉnh và triển khai phương án phát triển thủy lợi trong quy hoạch tỉnh đến đến năm 2050.

Ở nhóm giải pháp về quản lý, tỉnh Đồng Nai yêu cầu tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống, khắc phục hậu quả tác tại do nước gây ra. Hoàn thiện hệ thống quản lý, khai thác đập, hồ chứa về chất lượng nguồn nhân lực và trang thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ, hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành...

Thanh Bảo