Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

Thứ tư, 29/9/2021 | 17:39 GMT+7
Ngày 29/9, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu tổng kết thực tiễn từ các kết quả nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2014 – 2020, từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp phát triển bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhấn mạnh: Việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một trong những định hướng trọng tâm được Bộ ưu tiên nguồn lực cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn lực trong thời gian qua, nhằm phục vụ cho việc phát triển bền vững vùng ĐBSCL một cách căn cơ, bài bản với tầm nhìn dài hạn.

Đê trụ rỗng - giải pháp khoa học giúp giảm sóng, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

Để tập trung phát triển bền vững tại vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ KH&CN đề xuất phải hình thành các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) lớn mang tính liên ngành, liên vùng thuộc các chương trình KH&CN cấp quốc gia đang được tái cấu trúc để nghiên cứu, giải quyết những vấn đề lớn, bức thiết có tính hệ thống. Xây dựng các hệ thống đo đạt, giám sát tự động thông số về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn… để kịp thời thông tin, chủ động phục vụ công tác dự báo và triển khai giải pháp nhằm kịp thời ứng phó theo từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan. Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là vùng không chủ động được nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm ngập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng…

Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu giải pháp KHCN để đảm bảo nguồn nước ngọt lâu dài, cấp nước ngọt chủ động, phù hợp vệ sinh cho các vùng khan hiếm nước ven biển; sớm đưa vào ứng dụng thực tiễn kết quả thành công của các hoạt động KHCN vào việc thực hiện các giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông; chú trọng đảm bảo cơ sở hạ tầng…

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị, thành phố Cần Thơ cần nghiên cứu thành lập Trung tâm Nghiên cứu tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận, nghiêm cứu phát triển ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả vùng ĐBSCL.

Các tỉnh trong vùng cần chú trọng đầu tư vào các trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng ĐBSCL, từ đó phát huy thế mạnh và hiệu quả nghiên cứu, đồng thời cùng các doanh nghiệp tạo nguồn năng lượng tích cực tác động đến sự phát triển kinh tế của vùng.

Tại buổi làm việc, các đại biểu, nhà khoa học cũng tập trung làm rõ đặc điểm, thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đó, thống nhất đưa ra kiến nghị, quan điểm cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần xây dựng chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng ĐBSCL.

Lâm Bảo (T/H)