Bảo vệ nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long

Thứ năm, 9/11/2023 | 17:10 GMT+7
Trước tác động của biến đổi khí hậu, cần bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ nguồn sinh thủy; tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng nước, tái sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long.

Lưu vực sông Cửu Long có tổng diện tích tự nhiên khoảng 39.945 km2, bao gồm 13 tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ.

Với tiềm năng nông nghiệp lớn, nhiều năm qua lưu vực sông Cửu Long luôn đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa gạo, 70% lượng trái cây cho cả nước, đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu.

Nguồn nước lưu vực sông Cửu Long được đánh giá là dồi dào với tổng lượng tài nguyên nước hàng năm khoảng 474 tỷ m3, trong đó lượng nước nội sinh từ mưa trên lưu vực sông Cửu Long khoảng 30 tỷ m3; lượng nước từ thượng lưu chảy về lưu vực sông Cửu Long khoảng 441 tỷ m3.

Hiện nay, lưu vực sông Cửu Long đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, hạn hán, gia tăng xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, tác động do khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng lưu Mê Kông…

Bảo vệ nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã ký Quyết định số 2729/QĐ-BTNMT ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó nêu rõ nội dung yêu cầu rà soát, đánh giá việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đã ban hành trong quá trình triển khai thực hiện trên lưu vực sông Cửu Long để đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ nguồn sinh thủy; tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng nước, tái sử dụng nước; cơ chế tài chính; cơ chế thu hút, huy động các nguồn lực tài chính trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương trên lưu vực.

Các Bộ, ngành và các địa phương trên lưu vực phối hợp để rà soát quy định pháp luật có liên quan; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình xây dựng, hạ tầng xây dựng bảo đảm việc tích trữ nước mưa, nâng cao năng lực tiêu thoát nước, đặc biệt là các đô thị; rà soát quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ hai tỉnh trở lên thuộc lưu vực sông Cửu Long, quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch cấp, thoát nước đô thị đã được ban hành để phù hợp với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long.

Các địa phương trên lưu vực phối hợp, rà soát nội dung về phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh để đảm bảo phù hợp thống nhất với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long.

Quyết định cũng nêu rõ việc rà soát, bổ sung cơ chế về sử dụng nguồn nước xuyên biên giới; đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia liên quan đến lưu vực sông Cửu Long; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, mô hình số để kết nối thông tin, dữ liệu, thực hiện giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xây dựng phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.

Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt ô nhiễm nguồn nước, tác hại do nước gây ra và phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông.

Với đặc thù của lưu vực sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, tái sử dụng nước, quản lý, bảo vệ nguồn nước phù hợp; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về nguồn nước xuyên biên giới của lưu vực sông Cửu Long trên cơ sở các thỏa thuận, cơ chế hợp tác trong Hiệp định Mê Kông 1995 và các thỏa thuận song phương, đa phương khác.

Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tăng cường vai trò tổ chức lưu vực sông, tăng cường các hoạt động giám sát nguồn nước xuyên biên giới, tham gia xây dựng kịch bản nguồn nước và đề xuất các giải pháp thực hiện.

Kế hoạch cũng đề ra danh mục 17 nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 6/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo TTXVN