Bình Dương: Xây dựng cơ sở, dữ liệu khoa học về nguồn tài nguyên nước dưới đất

Thứ năm, 16/12/2021 | 17:39 GMT+7
Từ yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương về việc xây dựng cơ sở, dữ liệu khoa học mang tính thực tiễn đối với nguồn tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, Liên đoàn Tài nguyên nước đã tổ chức nhiều đoàn công tác để thực hiện các cuộc khảo sát.

Theo đánh giá, Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước. Với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra nhanh trong thời gian qua đã gây sức ép lên nguồn tài nguyên nước (nước mặt và nước dưới đất). 

Nguồn tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh khá phong phú, điều kiện khai thác tương đối dễ dàng. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa, hầu hết các doanh nghiệp chọn khai thác, sử dụng nước dưới đất. Điều này dẫn đến sự suy giảm về số lượng và chất lượng nguồn nước dưới đất tại một số khu vực.

Điều tra, đánh giá về nguồn tài nguyên nước dưới đất tại Bình Dương

Trước thực trạng trên, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản phê duyệt danh mục và bản đồ phân vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh. Việc xác định các vùng cấm, hạn chế sẽ được xác định theo hướng so sánh, đối chiếu với các tiêu chí liên quan đến các vấn đề về tác động môi trường sinh thái, sự an toàn của người dân và doanh nghiệp, đồng thời gắn liền nếp sống đô thị văn minh mà tỉnh đang hướng tới.

Đặc biệt, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, với sự xuất hiện dày đặc của hệ thống cấp nước, cần thiết phải đưa vào danh mục hạn chế khai thác nước dưới đất.

Ngoài ra, các khu dân cư thuộc các phường, thị trấn với hệ thống nước sạch sinh hoạt được đấu nối, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân cũng được kiến nghị khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Bên cạnh những vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước được nêu rõ trên, nhóm nghiên cứu cho biết, trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn có nhiều vùng hạn chế hỗn hợp cần được khoanh định kịp thời. Đây là những khu vực có các yếu tố về địa lý và dân cư chưa thật sự rõ ràng và không hoàn toàn phù hợp, trùng khớp với các tiêu chí của các vùng hạn chế 1, vùng hạn chế 2 và vùng hạn chế 3 theo định danh mà các nhà khoa học đặt tên trước đó.

Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thủy văn thuộc Sở TN&MT Bình Dương cho biết, từ yêu cầu xây dựng cơ sở, dữ liệu khoa học mang tính thực tiễn đối với nguồn tài nguyên nước dưới đất, Sở đề xuất việc tổ chức thực hiện hạn chế khai thác nước dưới đất, bao gồm trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký và biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất.

Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát bên trên, Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thủy văn sẽ tham mưu Sở TN&MT trình UBND tỉnh Bình Dương sớm ban hành quyết định phê duyệt danh mục và bản đổ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Công tác này được kỳ vọng sẽ giúp ngành chức năng và địa phương có thêm những luận điểm, cơ sở pháp lý vững vàng để thực hiện tốt công tác chuyên môn trong thời gian tới.

Huyền Dung (T/H)