Khắc phục tình trạng thiếu nước ở Hà Tĩnh

Thứ ba, 2/11/2021 | 17:24 GMT+7
Hà Tĩnh đang gặp tình trạng thiếu nước sạch do nắng nóng, xâm nhập mặn kéo dài, lượng mưa ít. Do đó, cần đẩy mạnh công tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước để đảm bảo phát triển đời sống kinh tế - xã hội bền vững.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, xu hướng biến đổi nhiệt độ, không khí những năm gần đây trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp. Cụ thể, tình trạng nắng nóng tại Hà Tĩnh trong vòng 20 năm trở lại đây có chiều hướng gia tăng, trong khi lượng mưa có xu hướng giảm rõ rệt, hiện tượng mưa dầm trong vài thập kỷ gần đây ít khi xuất hiện hơn, mùa mưa thường xuất hiện muộn và kết thúc sớm. Dẫn đến suy giảm nguồn nước mặt nghiêm trọng.

Suy giảm nguồn nước ở các sông tại Hà Tĩnh

Bên cạnh đó, chế độ mưa thay đổi gây lũ nghiêm trọng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô; làm gia tăng xâm nhập mặn, thiếu nước tưới nông nghiệp. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng cường độ và tần suất các cơn bão, dông tố gây sạt lở, xói mòn; gia tăng thiếu hụt nước, đòi hỏi đáp ứng cấp nước và mâu thuẫn trong sử dụng nước.

Tình trạng xâm nhập mặn ăn sâu vào nội địa đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Tại cống Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh - nơi cung cấp nguồn nước cho hệ thống thủy lợi sông Nghèn đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng ở mức 0,36%.

Mặt khác, nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng cao. Trước tình trạng thiếu hụt nước sạch và suy thoái nguồn nước hiện tại, nhiều địa bàn phải chấp nhận “sống chung” với cảnh nước nhiễm phèn, nhiễm mặn…

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Quang cho biết: Mùa hè, hạn hán xảy ra ở nhiều địa phương như các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang. Trong khi đó, ở một số vùng thuộc huyện Đức Thọ, Can Lộc cũng đang khan hiếm nước sạch đến mức người dân phải tích trữ nước mưa để ăn, nước ao hồ và từ các giếng khơi nhiễm phèn để tắm giặt.

Theo Phòng Tài nguyên nước, biển và hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, trước vấn đề biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, cần siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý, đặc biệt tập trung vào tuyên truyền cơ chế, chính sách trong việc khai thác, sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, dự trữ lâu dài, ưu tiên sử dụng tài nguyên nước để cấp cho sinh hoạt và các lĩnh vực sản xuất quan trọng gắn với bảo vệ môi trường.

Phương An (T/H)