Tiết kiệm điện năng

Cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm

Thứ tư, 16/6/2021 | 17:41 GMT+7
Tại tọa đàm "Cách tính hóa đơn tiền điện và sử dụng điện an toàn, tiết kiệm" diễn ra ngày 16/6, các chuyên gia từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Đại học Bách Khoa tư vấn về cách sử dụng điện tiết kiệm, cách ước tính hóa đơn khi vào mùa nóng...

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng điện tiêu thụ của toàn EVN đạt 90,2 tỷ kWh, tăng trưởng 8,14% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm điện tiêu dùng đạt 28,63 tỷ kWh, tăng trưởng 3,06% so với cùng kỳ. Tức là dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhu cầu sử dụng điện vẫn duy trì mức cao.

Đối với khu vực miền Bắc, từ cuối tháng 5 đến nay thời tiết nắng nóng trên diện rộng, nhu cầu sử dụng điện vào thời gian cao điểm trưa và tối tăng cao, dẫn đến quá tải cục bộ. "Trước thực trạng này, EVN nỗ lực triển khai các biện pháp đảm bảo cung cấp điện tuy nhiên cũng rất cần sự chung tay của cộng đồng trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm", ông Lâm chia sẻ.

PGS.TS, Bùi Xuân Hồi, giảng viên cao cấp bộ môn Kinh tế năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến việc tiêu thụ điện tăng cao mùa hè. Thứ nhất, vào thời điểm nắng nóng hay mùa hè (học sinh nghỉ hè), hầu hết thời gian sử dụng, số lượng các thiết bị tiêu thụ điện đều tăng lên so với ngày bình thường (như điều hoà, quạt điện, tivi...). Khi tăng thời gian sử dụng, sản lượng tiêu thụ cũng tăng theo. Thứ hai, khi nhu cầu sử dụng điện tăng, số lượng điện tiêu thụ tăng, theo đó hoá đơn tiền điện cho sinh hoạt sẽ tăng theo bởi giá bán điện tăng theo bậc thang. Thứ ba, các yếu tố như nhiệt độ môi trường, công trình kiến trúc, không gian sử dụng thiết bị điện, đặc tính của thiết bị điện, thói quen của người sử dụng... cũng ảnh hưởng đến việc tiêu hao công suất sử dụng điện. Ví dụ, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa không khí có thể tăng 2 - 3%, nhiệt độ tăng khoảng 5 độ C thì điện năng tiêu thụ có thể tăng thêm khoảng 10%.

Cuối cùng là những nguyên nhân như dây dẫn sau công tơ bị dò điện ra xung quanh; các thói quen không hợp lý: không tắt điện khi sử dụng các thiết bị điện, sử dụng nhiều thiết bị có công suất quá lớn so với nhu cầu, chỉ tắt thiết bị bằng điều khiển, bật tắt sai cách...

Các gia đình có thể lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà để tiết kiệm chi phí tiền điện

Theo ông Lê Văn Trang, Phó Tổng giám đốc EVNNPC, người dân nên mua thiết bị điện của các hãng uy tín, có nhãn tiết kiệm điện và phù hợp với nhu cầu. Các dòng sản phẩm tiết kiệm điện sẽ có chứng chỉ Ngôi sao năng lượng Việt được dán ngay trên sản phẩm hoặc trên sản phẩm sẽ ghi sử dụng công nghệ ion, nano, inverter (đối với điều hoà)... Mặc dù giá cả các thiết bị này cao hơn so với sản phẩm thông thường nhưng đem lại hiệu quả lợi ích kinh tế lâu dài khi sử dụng.

Nhãn tiết kiệm điện dán cho các sản phẩm, thiết bị được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, đánh mức từ 1 đến 5 sao, càng nhiều sao càng tiết kiệm năng lượng. Sản phẩm dán nhãn 5 sao là sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhất. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần đọc kỹ hướng dẫn để sử dụng điện tiết kiệm, an toàn. Người dân cũng cần thay đổi thói quen do sản lượng tỷ lệ với thời gian sử dụng. Với điều hòa, người dân không nên sử dụng nhiệt quá sâu, nên để từ 25 đến 27 độ C, sử dụng rèm để cản ảnh sáng tự nhiên khi bật thiết bị. Tủ lạnh không để nhiều đồ hay mở lâu, hạn chế tắt bật sản phẩm liên tục và để đồ nóng. Ngoài ra, các gia đình có thể lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà để tiết kiệm chi phí. 

Ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương khuyên người dùng lựa chọn thiết bị theo nhiều tiêu chí, theo nhu cầu sử dụng và lắp đúng cách. Ví dụ, điều hòa nên lắp giàn nóng lắp nơi mát, tránh ánh sáng để giảm tiêu thụ. Với các thiết bị khác nói chung thì cần đảm bảo công suất, một ổ cắm không nên cắm quá nhiều thiết bị.

Tiến Đạt