Cảnh báo gia tăng những vấn đề về nước trên toàn cầu

Thứ tư, 6/10/2021 | 16:21 GMT+7
Ngày 5/10, Tổ chức Khí tượng thế giới Liên Hợp Quốc (WMO) và các đối tác cho biết, cần thiết phải cải thiện việc quản lý, giám sát và dự báo về nước khi cuộc khủng hoảng nước toàn cầu đang bùng phát.

Cảnh báo được đưa ra khi lũ lụt, hạn hán và các hiểm họa khác liên quan đến nước đã và đang gia tăng do biến đổi khí hậu, trong khi số người phải đối mặt với áp lực về nước tiếp tục tăng do dân số tăng, nguồn cung nước ngày càng giảm.

Năm 2018, khoảng 3,6 tỷ người trên toàn cầu người không có cơ hội tiếp cận với nguồn nước. Con số này dự kiến sẽ vượt qua 5 tỷ người vào năm 2050. Khoảng 25% thành phố trên toàn cầu hiện đang bị thiếu nước thường xuyên. 

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: Nhiệt độ ngày càng tăng dẫn đến những thay đổi về lượng mưa trên toàn cầu và ở từng khu vực, tạo nên sự thay đổi về mô hình mưa và mùa vụ nông nghiệp, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực và sức khỏe con người.

Hàng tỷ người đang thiếu cơ hội tiếp cận với nguồn nước, đặc biệt ở các quốc gia châu Phi và Ấn Độ

Các thảm họa liên quan đến nước đã gia tăng tần suất kể từ năm 2000. Đặc biệt, các thảm họa liên quan đến lũ lụt đã tăng 134% so với hai thập kỷ trước. Đây là nguyên nhân chính gây ra các trường hợp tử vong và thiệt hại kinh tế ở châu Á, nơi các hệ thống cảnh báo khí tượng thủy văn cần được tăng cường. 

Ông Petteri Taalas chia sẻ, lượng mưa cực lớn trên khắp lục địa đã gây ra lũ lụt ở Trung Quốc, Indonesia, Nepal, Pakistan và Ấn Độ. Hàng triệu người phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng. Nhưng không chỉ ở các nước đang phát triển, lũ lụt còn dẫn đến sự gián đoạn lớn, gây hậu quả thảm khốc ở châu Âu, khiến hàng trăm người chết và thiệt hại về tài sản trên diện rộng. Mặt khác, biến đổi khí hậu đã khiến số lượng và thời gian hạn hán ở châu Phi tăng 29% trong hai thập kỷ qua.

Ông Taalas đánh giá, thiếu nước tiếp tục là nguyên nhân chính gây lo ngại cho nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi. Hơn 2 tỷ người sống ở các quốc gia bị áp lực về nước và không được tiếp cận với nước uống an toàn và điều kiện vệ sinh tối thiểu.

Biến đổi khí hậu đang làm tăng những khó khăn trong vấn đề về nguồn nước. Trong khi một số quốc gia đang phải đối mặt với hạn hán liên miên thì tại các địa phương khác lại đang đối phó với lũ lụt nghiêm trọng. Điều này đã tác động mạnh tới cuộc sống của con người và gây thiệt hại lớn về kinh tế. 

Đáng lưu ý, báo cáo của WMO cũng dự báo khoảng 107 quốc gia sẽ không đạt được các mục tiêu quản lý bền vững nguồn cung cấp nước vào năm 2030 nếu vẫn giữ tốc độ hiện tại.

Theo đó, báo cáo kêu gọi cần cải thiện quản lý nguồn nước; lồng ghép các chính sách về nước và khí hậu vào khung chính sách quốc gia; mở rộng quy mô đầu tư để khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng, quản lý còn rời rạc, thiếu sót.

Các khuyến nghị cũng bao gồm đầu tư vào quản lý tổng hợp tài nguyên nước, giảm tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt ở các tiểu quốc đảo đang phát triển (SIDs) và các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới (LDCs). Nhà chức trách ở các nước kém phát triển cần chú trọng khuyến khích đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm hạn hán và lũ lụt, hoàn thiện những thiếu sót liên quan đến việc thu thập dữ liệu quan trọng trong những dịch vụ khí hậu và hệ thống cảnh báo sớm. Đồng thời tham gia Liên minh nước và khí hậu do WMO cung cấp hỗ trợ.

Huyền Dung