Việc phát triển các dự án khí đốt làm suy yếu cam kết của một số quốc gia châu Á nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vào giữa thế kỷ này và nó đang diễn ra bất chấp cảnh báo vào tháng 6 năm 2021 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) rằng việc đạt được mức phát thải ròng trên toàn cầu phụ thuộc vào việc dừng tất cả sự phát triển nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.
Những phát hiện chính của báo cáo bao gồm:
379 tỷ USD đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khí đốt mới ở châu Á bao gồm 189 tỷ USD cho xây dựng nhà máy nhiệt điện khí, 54 tỷ USD đầu tư cho xây dựng đường ống dẫn khí và 136 tỷ USD dành cho đầu tư kho cảng xuất nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới.
Các nhà máy khí đang trong quá trình phát triển ở châu Á sẽ bổ sung thêm 320 GW và sẽ khiến cho công suất điện khí trong khu vực tăng gần gấp đôi so với hiện nay. Số công suất bổ sung này tương đương quy mô của toàn bộ công suất điện khí của châu Âu và Nga, sẽ khiến công suất điện khí toàn cầu tăng thêm 1/5.
Các nước châu Á có kế hoạch xây dựng các kho cảng nhập khẩu LNG mới với tổng công suất 452 triệu tấn mỗi năm, chiếm 70% tổng công suất đang được lên kế hoạch phát triển trên toàn cầu.
Các nước châu Á có kế hoạch xây dựng những kho cảng nhập khẩu LNG mới với tổng công suất 452 triệu tấn mỗi năm
Nếu được xây dựng và vận hành tối đa công suất, các kho cảng nhập khẩu và đường ống dẫn khí LNG đang được phát triển ở châu Á sẽ cung cấp đủ lượng khí nhập khẩu để thải ra 117 gigatonnes carbon dioxide (Gt CO2-eq) tương đương trong toàn bộ thời gian hoạt động của các dự án hoặc 1/4 tổng lượng khí thải thế giới có thể thải ra theo kịch bản hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Robert Rozansky, tác giả của báo cáo cho biết: “Việc xây dựng các dự án khí đốt được đề xuất của châu Á là một ván cược 379 tỷ USD đầy rủi ro. Nếu được xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng khí đốt mới này có thể đe dọa nỗ lực của các nước châu Á nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Khi giá LNG tiếp tục ở mức cao và thị trường tiếp tục biến động mạnh, nhiều dự án đã được lên kế hoạch ở châu Á sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng và có thể phát sinh chi phí lớn cho nhà nước trong việc cho các dự án ngừng hoạt động”.
Ted Nace, Giám đốc Điều hành của GEM cho biết: “Lượng phát thải từ các dự án khí đốt hiện tại đã quá lớn để thế giới có ít nhất 50% cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Nếu được xây dựng, các dự án khí đốt mới ở châu Á này sẽ phát sinh khí thải trong nhiều thập kỷ và làm trầm trọng thêm các tác động lâu dài của biến đổi khí hậu”.
Nghiên cứu của GEM phát hiện ra rằng, các tổ chức công đã cung cấp 22,4 tỷ USD tài trợ cho các dự án khí đốt ở châu Á từ năm 2014 đến năm 2018 và có nguy cơ là khoản tài trợ này có thể tiếp tục được cung cấp. Các thông báo gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác cho thấy những tổ chức này vẫn chưa cam kết ngừng cung cấp tài trợ cho lĩnh vực khí đốt và vẫn tiếp tục tài trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng kho cảng nhập khẩu, đường ống dẫn khí cùng nhà máy điện khí.
Tổ chức Global Energy Monitor (GEM) phát triển và chia sẻ thông tin về các dự án nhiên liệu hóa thạch nhằm hỗ trợ phong trào vì năng lượng sạch trên toàn thế giới.