Năng lượng tái tạo

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển dự án điện sinh khối

Thứ sáu, 26/11/2021 | 21:09 GMT+7
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam” theo hình thức trực tuyến.

Hội thảo nhằm chia sẻ tiềm năng điện sinh khối của Việt Nam, cơ hội, thách thức phát triển nguồn năng lượng này; kinh nghiệm của các nước trong việc khuyến khích phát triển điện sinh khối.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển điện sinh khối tuy nhiên, việc khai thác các nguồn tài nguyên sinh khối này còn hạn chế. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích nhằm thu hút các nhà đầu tư nhưng cho đến nay tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện sinh khối vẫn còn rất nhỏ trong tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện tại Việt Nam. Vì vậy, để phát triển mạnh mẽ nguồn điện sinh khối, Việt Nam cần những giải pháp tốt hơn nhằm khuyến khích các nhà đầu tư. 

Ông Nathan Moore, Giám đốc dự án “Bảo vệ Khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (BEM) của GIZ cho biết: “Chúng tôi tin rằng những kinh nghiệm về sinh khối bền vững được thảo luận hôm nay sẽ góp phần vào việc hiện thực hóa các dự án mới về sinh khối ở Việt Nam. Hội thảo sẽ mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về các nỗ lực chung nhằm công nhận năng lượng sinh học là một trong những giải pháp quan trọng, đóng góp vào các mục tiêu phát triển và năng lượng của Việt Nam, khi mà chúng ta đang hướng tới một tương lai giảm thiểu phát thải khí nhà kính”. 

Cần có chính sách khuyến khích phát triển bền vững nguồn điện sinh khối

Tham gia hội thảo còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; đại diện của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; đại diện các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh: Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, An Giang, Sóc Trăng và Tiền Giang; Viện Năng lượng; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội mía đường Việt Nam; các công ty cổ phần đường và điện sinh khối; các công ty tư vấn năng lượng; các tổ chức tài chính và các trường đại học.  

Tại hội thảo, Tiến sĩ Matthias Eichelbrönner, chuyên gia quốc tế của dự án BEM và Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã trình bày về tiềm năng, cơ hội và thách thức phát triển điện sinh khối, các dự án điển hình tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng này.

Sau đó là phiên thảo luận có sự tham gia trao đổi của đại diện từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Hậu Giang, Sở Công Thương tỉnh Phú Yên và Hội doanh nghiệp nông dân Việt Nam. Các vị khách mời đã nhận được các câu hỏi về cơ chế hỗ trợ điện sinh khối, khó khăn và giải pháp để phát triển bền vững nguồn điện sinh khối tại Việt Nam. 

Cũng tại hội thảo, dự án BEM chính thức giới thiệu phiên bản cập nhật của cuốn “Sổ tay hướng dẫn phát triển dự án năng lượng sinh khối tại Việt Nam”. Tài liệu được Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ tại Việt Nam cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương cập nhật và hoàn thiện. Cuốn sổ tay gồm thông tin cụ thể về quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư trong phát triển dự án sản xuất điện sinh khối nối lưới tại Việt Nam. Cùng với cuốn sổ tay là clip và tờ rơi giới thiệu tóm tắt các bước chính trong việc phát triển và thực hiện dự án điện sinh khối tại Việt Nam.  

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án BEM do GIZ phối hợp thực hiện cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương. Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức (BMU) thông qua Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế tài trợ.

Đức Dũng