Nông nghiệp sạch

Chuyên nghiệp hóa người nông dân trong phát triển nông nghiệp

Thứ ba, 13/9/2022 | 11:14 GMT+7
Ngày 12/9, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII năm 2022, với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp”.

Diễn đàn nhằm tạo cầu nối trao đổi, nhận diện tình trạng, đối thoại cởi mở giữa người nông dân, lãnh đạo địa phương, các cấp Trung ương để cùng đưa ra những đề xuất, kiến nghị xung quanh khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”.

Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân quốc gia, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, nông thôn nước ta đang ngày càng phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Hàng năm, cả nước có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; với nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên; hơn 3 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc, giúp hơn 200.000 hộ nông dân thoát nghèo.

Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII năm 2022

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp nước ta phát triển còn thiếu bền vững; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; lao động nông thôn có xu hướng già hóa; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao....

Do đó, cần phân tích những vấn đề thực tiễn, những rào cản làm cho kinh tế nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, nông dân chưa phát huy hết vai trò chủ thể, chưa quyết định được giá trị của hàng hóa do mình làm ra, nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ nhưng chưa thể trở thành động lực để phát triển kinh tế đất nước. Phải chăng đó là do cơ chế, chính sách, đất đai, vốn, bảo hiểm hay là do tư duy, cách thức sản xuất, liên kết và tiêu thụ của nông dân và các bên liên quan?

Từ đây, Phó Chủ tịch nước đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện và cụ thể hóa chương trình, đề án tri thức hóa người nông dân. Bên cạnh đó, có các chính sách để thu hút các lao động có trình độ, tri thức về lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làm việc tại các hợp tác xã.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh: Cần tri thức hóa người nông dân, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh và hiểu biết của nông dân về các vấn đề xã hội, kinh tế nói chung và vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp nói riêng. Ngoài kỹ năng nghề nghiệp, nông dân cần nâng cao kiến thức, hiểu biết, nắm rõ, cập nhật thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế chung trên thế giới và Việt Nam, bởi mỗi biến động ở những vấn đề trên đều có tác động đến sản xuất và thương mại nông sản, liên quan thiết thực đến quyết định sản xuất, kinh doanh của họ.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng chia sẻ thông tin thúc đẩy liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp, nông dân với nông dân để xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa; cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện chuỗi liên kết, chi tổ hội nghề nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, đào tạo nghề để nâng cao trình độ cho nông dân; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, có kiến thức giới thiệu, quảng bá, tiếp thị nông sản; những vấn đề đặt ra đối với nông dân trong giai đoạn mới...

Mộc Trà