Nông nghiệp sạch

Đầu tư hạ tầng logistics nông sản tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ tư, 7/9/2022 | 16:04 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức đối thoại bàn tròn “Hợp lực để chuyển đổi bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Sự kiện nhằm giúp các bên chia sẻ cái nhìn tổng quát về quy hoạch và kế hoạch hoạt động tại vùng ĐBSCL, từ đó tìm ra cơ hội, thách thức, ưu tiên và trọng tâm chương trình hoạt động vùng của các bên liên quan.

Theo đó, một trong những nút thắt và cũng là đòn bẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững tại vùng ĐBSCL là logistics cho nông sản. ĐBSCL là trung tâm nông nghiệp lớn, với định hướng phát triển sản xuất lúa gạo, trái cây và chăn nuôi thủy sản hàng đầu cả nước nên hoạt động logistics đóng vai trò đặc biệt quan trọng, cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Vân, đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, vùng ĐBSCL nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nước với nhiều quyết định và nghị quyết ra đời nhằm thúc đẩy hoạt động logistics tại khu vực, trong đó phải kể đến kế hoạch xây dựng Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ.

Hiện nay và trong tương lai, quy mô thị trường dịch vụ logistics sản xuất nông sản tại khu vực sẽ rất lớn. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, thách thức đặt ra như thiếu chiến lược kết nối mạng lưới cả về hạ tầng giao thông và dịch vụ; cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng chưa rõ ràng; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu của quy mô sản xuất, hệ thống cảng nhỏ lẻ, năng lực thấp; hạ tầng dịch vụ logistics yếu, chưa hoàn chỉnh, thiếu trung tâm logistics trọng điểm và vệ tinh; thiếu đơn vị chiếu xạ đạt chuẩn, chuỗi logistics lạnh khiến chất lượng nông sản sau thu hoạch bị ảnh hưởng, gây thất thoát lớn…

Các chuyên gia cùng thảo luận về chuyển đổi bền vững vùng ĐBSCL

Qua đó, bà Nguyễn Quỳnh Vân đề xuất, cần mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp của nông dân và doanh nghiệp trong vùng, tạo đà cho sự phát triển logistics; tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư logistics nông sản từ ngoài vùng; nâng cao đầu tư hạ tầng giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức, trong đó kết nối hệ thống đường bộ với mạng lưới thủy nội địa, mở rộng tuyến đường sắt xuống vùng kinh tế sôi động; đầu tư hạ tầng logistics nông sản, bảo đảm hệ thống kho bãi hiệu quả, tăng đầu tư logistics lạnh cho trái cây…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu, Bộ đã thống nhất quan điểm chỉ đạo, cùng với các địa phương, đối tác phát triển tập trung triển khai đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, phát triển các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng; kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả trong liên kết vùng.

Từ đó, ngành nông nghiệp ĐBSCL cần khuyến khích thúc đẩy phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu của chuỗi sản xuất. Phát triển các trung tâm cơ giới hóa vùng theo hướng xã hội hóa, là nơi chuyển giao, cung ứng máy, thiết bị, tập trung phát triển các ý tưởng, thiết kế, sáng tạo khởi nghiệp về cơ khí, công nghệ cơ giới hóa và cung ứng dịch vụ cơ giới hóa cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar đánh giá, đây là kế hoạch dài hơi yêu cầu một hướng tiếp cận mang tính tích hợp, liên ngành nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp giá trị cao và bền vững thông qua việc phát triển các trung tâm kinh doanh nông nghiệp, trung tâm chế biến cũng như cải thiện hạ tầng giao thông và logistics.

Đại sứ Kees van Baar khẳng định, Chính phủ Hà Lan sẽ duy trì những cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam, cùng với sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức khoa học để tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL có một tương lai vững mạnh về mặt kinh tế và về mặt sinh thái. Trong đó, hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ để phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển giao thông, logistics cũng như các trung tâm kinh doanh nông nghiệp; công tác quản lý nguồn nước trong đó có vấn đề cải thiện chất lượng tài nguyên nước…

Khánh An