Nông nghiệp sạch

ĐBSCL: Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp

Thứ tư, 25/9/2024 | 10:12 GMT+7
Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa phối hợp tổ chức tọa đàm các giải pháp canh tác nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm phát thải khí nhà kính vùng ĐBSCL.

Tại tọa đàm, TS. Dương Hoàng Sơn, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Viện Lúa ĐBSCL cho biết, hiện nay sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng ở ĐBSCL đang chịu tác động ngày càng tiêu cực do biến đổi khí hậu. Để sản xuất lúa thích nghi trong điều kiện khó khăn hiện nay và có lãi cao, nông dân cần chọn giống lúa chất lượng cao, giảm lượng giống gieo sạ từ 120kg/ha xuống còn 60 - 70kg/ha, ứng dựng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính vùng đồng bằng sông Cửu Long

Chia sẻ về mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, ông Huỳnh Thanh Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ cho biết, vụ hè thu 2024, thành phố đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Thành phố đã triển khai đề án với diện tích gần 50ha, gồm 17 hộ tham gia tại hợp tác xã Tiến Thuận (ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh).

Trong mô hình, nông dân trong vùng được tập huấn và ứng dụng kỹ thuật sản xuất lúa “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và theo tiêu chuẩn SRP với tỷ lệ trên 70%. Trên 95% nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt 100% từ khâu làm đất đến gieo sạ, bón phân, phun thuốc và thu hoạch.

Kết quả, năng suất lúa tại mô hình đạt 6,4 tấn/ha, cao hơn 0,7 tấn/ha so với mô hình canh tác theo phương thức truyền thống. Cây lúa trong mô hình khỏe, cứng cây, bộ rễ phát triển mạnh, không bị đổ ngã. Bên cạnh đó, việc giảm lượng giống gieo sạ, phân bón giúp giảm áp lực sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với nông dân canh tác theo phương thức truyền thống...

Về giảm phát thải khí nhà kính, theo kết quả đánh giá, đo đạc trên ruộng thuộc mô hình thí điểm của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), mô hình giảm được từ 2 - 12 tấn CO2/ha so với đối chứng nhờ vào giảm phân bón vô cơ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, giảm đốt rơm rạ, gia tăng hiệu quả sử dụng rơm rạ nhờ thu gom rơm rạ ra khỏi đồng, giảm thiểu cày vùi rơm rạ trong điều kiện ngập nước. Phương pháp canh tác có tác động chủ yếu giúp giảm lượng phát thải nhà kính trong mô hình là thu gom rơm rạ ra khỏi đồng ruộng để sản xuất phân bón hữu cơ, giảm đốt đồng và giảm phân hủy yếm khí rơm rạ trong điều kiện ngập nước.

Đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình, IRRI cho biết, lợi nhuận của mô hình cao hơn đối chứng từ 1,3 - 6,5 triệu đồng/ha, tương đương 6,6 - 36,7% nhờ giảm 50% lượng giống sử dụng, giảm 30% lượng phân bón đạm, giảm 2 - 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới 30 - 40% và tăng thu nhập từ bán rơm.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL, cần sự đồng thuận trong quá trình thực hiện với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, hợp tác xã, nông dân. Trong đó, cần tuyên truyền để nông dân tuân thủ các quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Bảo Ngọc (T/H)