Đảm bảo công tác cấp, thoát nước trên địa bàn Quảng Ninh

Thứ năm, 29/12/2022 | 17:04 GMT+7
Để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đầu tư nhiều công trình cấp và xử lý nước trên địa bàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 209 công trình, hệ thống công trình tham gia cấp nước tập trung khu vực nông thôn; trong đó có 196 công trình khai thác nguồn nước mặt (sông, hồ, khe, suối), 13 công trình khai thác nguồn nước ngầm. Ở khu vực thành thị, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh hiện đảm nhiệm việc cấp nước với hơn 258.000 hộ khách hàng sử dụng. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ dân cư thành thị trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt 98%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,89%.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 46,3% tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh. Nhiều người dân nông thôn vẫn chưa nhận thức được hết lợi ích của việc sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt, đa phần còn giữ thói quen dùng các nguồn nước hiện có như: khe nước tự nhiên, giếng khoan, giếng đào, nước mưa…

Đáng lưu ý, nhiều khu vực khác đã có đường ống cấp nước tập trung đi qua nhưng người dân không có nhu cầu đấu nối. Với người dân các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, tâm lý của bà con vẫn trông chờ vào sự đầu tư, tài trợ của Nhà nước nên nhiều công trình được hoàn thành đi vào hoạt động nhưng sau đó đã xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp.

Lắp đặt hệ thống công trình cấp nước tập trung đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân

Để khắc phục các tình trạng trên, tỉnh Quảng Ninh đã có Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2023, định hướng đến năm 2025 có 98% hộ gia đình ở đô thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn…

Theo đó, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm tiếp tục nguồn lực đầu tư hệ thống cấp nước tập trung; sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung đã xuống cấp; tuyên truyền, phân tích cho nhân dân hiểu rõ hơn lợi ích sử dụng nước sạch, qua đó tham gia sử dụng nhiều hơn. Có giải pháp tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng đầu tư công trình, đường ống cấp nước tập trung…

Song hành với vấn đề cấp nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Quảng Ninh cũng đang đối mặt với bài toán về xử lý chất thải ở các đô thị để đảm bảo môi trường.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, hiện hệ thống thoát nước của các đô thị trên địa bàn hầu hết đã cũ và xuống cấp, nhiều tuyến cống trong đô thị bị lấn chiếm, bồi lấp, khiến ùn tắc dòng chảy, gây ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương khi có mưa lớn, kéo dài. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh đã khiến diện tích mặt đất tự nhiên và mặt nước tự nhiên như ao, hồ, kênh mương bị thu hẹp, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước của các đô thị.

Theo đó, để đẩy mạnh xử lý nước thải sinh hoạt gắn với an ninh nguồn nước, tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải khu vực đô thị tập trung tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên đến năm 2025 đạt trên 65% và đạt trên 70% đến năm 2030. Các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Móng Cái đến năm 2025 đạt trên 30%, đến năm 2030 đạt trên 50%. 100% dự án được cấp phép mới đầu tư theo quy hoạch xây dựng hạ tầng dân cư đô thị, các dự án phát triển kinh tế - xã hội xung quanh vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và tại các khu đô thị bảo đảm phải có hệ thống thu gom, xử lý triệt để nước thải.

Lam An (t/h)