Đắk Lắk thực hiện bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

Thứ ba, 20/12/2022 | 14:17 GMT+7
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xây dựng Chương trình thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Theo chương trình, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành được quy hoạch, đề án có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước; tỷ lệ cấp nước bình quân tại các đô thị đạt 95% hộ gia đình và ở nông thôn đạt 60% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

Huy động các nguồn lực để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt và chất lượng nước sinh hoạt, nước cho sản xuất... và cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế.

Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Đến năm 2030, tỉnh cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; ở đô thị đạt 100% hộ gia đình và ở nông thôn đạt 80% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Cơ bản hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; bước đầu khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại một số lưu vực sông, công trình thủy lợi; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2045, chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước; hoàn thiện chính sách về quản lý nguồn nước đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Với các mục tiêu trên, chương trình đề ra một số giải pháp cụ thể như: nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; hoàn thiện và cụ thể hóa thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập; thực hiện đồng bộ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn hồ, đập. 

Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước…

Chương trình nêu rõ, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nội dung của Kết luận số 36-KL/TW; cụ thể hóa các nội dung về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát việc thực hiện Kết luận số 36-KL/TW; phát huy vai trò phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng cơ chế, chính sách về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.

Lâm Bảo