Năng lượng phát triển

Đầu tư tư nhân vào ngành năng lượng là mũi nhọn hết sức quan trọng

Thứ sáu, 18/9/2020 | 11:23 GMT+7
Bộ Công Thương đánh giá hoạt động đầu tư tư nhân vào ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng là mũi nhọn hết sức quan trọng. Các chính sách thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng đến nay có thể nói là phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và đã đạt được những thành công bước đầu.

Chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, có rất nhiều dự án nhà máy điện tại Việt Nam có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài.

Ông Nguyễn Tuấn Anh đưa ra dẫn chứng thực tế là tỷ lệ nguồn điện được đầu tư theo hình thức BOT và IPP trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc đã tăng lên đáng kể, từ 14,41% (tương đương 4.344MW) vào năm 2010 đã tăng lên 27,29% (tương đương 15.591MW) vào năm 2019 (chưa kể đến các dự án điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành và đang xây dựng năm 2020). Kết quả tỷ lệ tham gia đầu tư tư nhân trong lĩnh vực điện lực ngày càng tăng là do Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách, chiến lược đúng đắn để thúc đẩy phát triển đầu tư tư nhân. 

Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực

Đối với nguồn điện năng lượng tái tạo, tính tới thời điểm tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053MW. Hiện cũng có 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất là 429MW và 325MW điện sinh khối, điện chất thải rắn gần 10MW. Như vậy, tổng công suất điện gió và mặt trời đã là 5.482 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31/8/2020 đã có trên 47.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp. Như vậy, nguồn điện năng lượng tái tạo đã đóng góp đáng kể để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân. 

Thông thường đối với các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện nay các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện. 

Doanh nghiệp tư nhân không chỉ đầu tư mà còn tích cực tham gia thực hiện dự án: tư vấn thiết kế, quản lý dự án; sản xuất thiết bị, cung cấp vật tư; xây dựng, lắp đặt và vận hành. Bên cạnh việc đầu tư nguồn điện, các doanh nghiệp tư nhân còn tích cực đầu tư những dự án lưới điện như: trạm biến áp và đường dây phục vụ đấu nối, ví dụ như trạm biến áp 500kV và đường dây do Tập đoàn Trung Nam đầu tư. 

“Bộ Công Thương đánh giá hoạt động đầu tư tư nhân vào ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng là mũi nhọn hết sức quan trọng. Các chính sách thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng đến nay có thể nói là phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và đã đạt được những thành công bước đầu”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đức Dũng