Năng lượng tái tạo

Đẩy mạnh hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách để tiếp tục phát triển NLTT

Thứ năm, 30/7/2020 | 09:23 GMT+7
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, nghiên cứu triển khai xây dựng Luật Năng lượng tái tạo (NLTT) để đảm bảo những nền tảng pháp lý quan trọng nhằm phát triển NLTT một cách bền vững tại Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc tại các quy định liên quan tới công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực còn nằm rải rác tại một số Luật như: Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản... Các Luật này cần phải sớm được tổng kết, rà soát và sửa đổi để hạn chế tối đa sự chồng chéo, mẫu thuẫn giữa các luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhất quán và tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại từ lâu nay, tạo điều kiện cho ngành năng lượng có thể biến đổi cả về chất và lượng theo chiều hướng ngày càng tốt lên.

Cùng với đó, Chương trình hành động của Chính phủ cũng giao các bộ, ngành có nhiệm vụ phải cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng của mình song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả. Cần tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan để hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện tại Việt Nam; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng năng lượng trong các ngành, lĩnh vực có mức tiêu thụ năng lượng cao như ngành thép, hóa chất, xi măng, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Xây dựng Chương trình chuyển đổi thị trường phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao; thúc đẩy ứng dụng NLTT, nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG, nhiên liệu sinh học, năng lượng điện, năng lượng có tiềm năng khác) để thay thế nhiên liệu truyền thống đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để gắn sự phát triển lĩnh vực năng lượng quốc gia với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Để đạt được các mục tiêu phát triển NLTT như đã đề ra trong Nghị quyết 55, đồng thời giải quyết những thách thức mà lĩnh vực NLTT phải đối mặt, Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, nghiên cứu triển khai xây dựng Luật NLTT để đảm bảo những nền tảng pháp lý quan trọng để phát triển NLTT một cách bền vững tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục tạo dựng môi trường công khai, minh bạch và cạnh tranh để phục vụ cho thị trường điện cạnh tranh như yêu cầu của Chính phủ.

“Thực tế công tác phát triển NLTT thời gian vừa qua cho thấy, nếu có sự góp sức của các thành phần kinh tế khác ngoài doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, chúng ta có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn hơn nhiều so với kỳ vọng, kế hoạch. Vì vậy, để thu hút các thành phần kinh tế khác có điều kiện tham gia vào phát triển lĩnh vực năng lượng ngày càng tích cực hơn, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giải thích và làm rõ một số quy định trong các Luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn, thu hút tiềm năng trong đầu tư vào những lĩnh vực khác nhau của hệ thống năng lượng quốc gia, đặc biệt là vào hệ thống nguồn điện. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Điện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực năng lượng, để tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng và trong lĩnh vực năng lượng nói chung”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Cẩm Hạnh