Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 29/2020

Thứ hai, 27/7/2020 | 09:07 GMT+7
Mới đây, Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020 (Vietnam Energy Summit 2020) diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn do Ban kinh tế Trung ương, Chính phủ đồng chủ trì, tổ chức.

Vietnam Energy Summit 2020: Tạo điều kiện thuận lợi để tư nhân tham gia phát triển năng lượng

Đây là sự kiện quy mô nhất về năng lượng tại Việt Nam trong năm nay, được tổ chức nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

Tại phiên toàn thể Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, năng lượng giữ vai trò quan trọng và tiên phong quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng này, Đảng và nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển năng lượng trong bối cảnh phát triển mới. Tuy nhiên, để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, mục tiêu đảm bảo nguồn cung điện còn gặp nhiều thách thức khi nhiều dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều bất lợi. Không những vậy, thị trường năng lượng cạnh tranh chưa đồng bộ, thiếu sự liên thông, chính sách giá còn bất cập và chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường.

“Phải xác định rõ nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể, kiến nghị đề xuất cụ thể để sớm hoàn thiện phát triển ngành năng lượng. Kiến nghị những khó khăn vướng mắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, kể cả các dự án truyền tải điện”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên toàn thể của Diễn đàn 

Theo đó, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Đồng thời, cần áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Đặc biệt, cần kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định, năng lượng đã trở thành ngành kinh tế quy mô lớn. Thông qua Diễn đàn, những chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển năng lượng sẽ được quán triệt, hút dòng vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án nhằm tăng nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để triển khai Nghị quyết 55, trước hết là hoàn thiện thể chế, kiểm soát quá trình phát triển. Riêng về huy động nguồn lực cho năng lượng đến 2025, Việt Nam cần 7 - 10 tỷ USD cho các dự án mới, đầu tư mạnh cho nguồn điện và truyền tải. 

Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng mức 8% cho đến năm 2030, Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030, điều này đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính.

Sự chuyển dịch đầu tư ngày càng tăng vào năng lượng tái tạo

Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8 - 12 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn trước đây, tập trung vào đầu kỳ với sự chuyển dịch đầu tư ngày càng tăng vào năng lượng tái tạo, nhiệt điện và hạ tầng lưới điện.

Thông qua diễn đàn, Phó Thủ tướng mong rằng những chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển năng lượng sẽ được quán triệt, hút dòng vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án nhằm tăng nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế.

Đặc biệt, lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức tiêu biểu về năng lượng tái tạo cũng được diễn ra với sự chứng kiến của ban lãnh đạo Trung ương và toàn thể khách mời cấp cao trong lĩnh vực năng lượng.

EVN hỗ trợ các nhà máy ĐMT phát điện vận hành thương mại

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư điện mặt trời (ĐMT) trong việc đưa các nhà máy đi vào vận hành thương mại trước 31/12/2020 – thời hạn cuối để hưởng giá FIT 2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ban hành Quyết định 1010/QĐ-EVN ngày 10/7/2020 về Quy trình thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại (COD) cho nhà máy điện gió và nhà máy ĐMT. Trong đó, quy định rõ các trình tự, thủ tục, các bước triển khai; trách nhiệm của từng đơn vị trong việc đăng ký thử nghiệm và công nhận COD cho các nhà máy ĐMT.

Theo ông Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Thị trường điện EVN, năm 2019, EVN cũng ban hành Quyết định số 578/QĐ-EVN ngày 10/5/2019 về Quy trình thử nghiệm và công nhận COD cho nhà máy điện gió và nhà máy ĐMT. Quy trình đã được thực hiện thành công trong việc công nhận COD cho 86 nhà máy ĐMT đi vào vận hành trước ngày 30/6/2019 trong một thời gian ngắn, đảm bảo an toàn và theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, Quyết định 578 gắn liền với Quyết định số 11/2017-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam hiện đã hết hiệu lực kể từ thời điểm sau ngày 30/6/2019. Trong bối cảnh thời gian từ nay đến cuối năm 2020 không còn nhiều, EVN đã chủ động và sớm ban hành Quyết định số 1010 thay thế Quyết định 578 để chủ đầu tư các nhà máy có thể nắm rõ và triển khai các quy trình thử nghiệm và công nhận COD.

Theo Quyết định 1010/QĐ-EVN, để đăng ký thử nghiệm COD, đơn vị phát điện phải hoàn thành ghép nối SCADA của nhà máy điện trước ngày tiến hành thử nghiệm; không muộn hơn 20 ngày làm việc trước ngày tiến hành thử nghiệm công nhận COD, đơn vị phát điện có trách nhiệm gửi cấp điều độ có quyền điều khiển và Công ty Mua bán điện chương trình chạy thử nghiệm nhà máy điện; không muộn hơn 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến bắt đầu chạy thử nghiệm, nghiệm thu, đơn vị phát điện đăng ký chính thức lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu với cấp điều độ có quyền điều khiển. 

Cũng theo Quyết định này, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu, cấp điều độ có quyền điều khiển có trách nhiệm giải quyết và gửi phiếu đăng ký công tác thử nghiệm, nghiệm thu đã được giải quyết tới đơn vị phát điện. Cấp điều độ cũng có quyền thay đổi kế hoạch thử nghiệm để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia và phù hợp với các yêu cầu thử nghiệm nhưng phải thông báo cho đơn vị phát điện…

EVN tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà máy ĐMT phát điện vận hành thương mại

Nội dung của Quy trình đã được thông tin cụ thể tới từng chủ đầu tư thông qua nhiều cuộc họp với các chủ đầu tư trong các năm 2019, 2020 với mục tiêu EVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, lên kế hoạch thử nghiệm hợp lý để phân bổ tối ưu thời gian và nguồn lực để đáp ứng tối đa các yêu cầu của các chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, EVN sẽ huy động nguồn lực, nhân lực tiến hành thực hiện thử nghiệm, công nhận COD từng phần hoặc toàn bộ nhà máy cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả các hạng mục, chủ đầu đầu tư cần đăng ký thử nghiệm sớm để Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chủ động bố trí thời gian, nhân lực bố trí thử nghiệm đóng điện lần đầu và thử nghiệm COD cho các nhà máy.

Nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, giảm thiểu các bước trung gian, EVN và các đơn vị như Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Công ty Mua bán điện… đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác triển khai các quy trình, thủ tục. Điển hình, EVN đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký COD của các chủ đầu tư thông qua website http://ppa.evn.com.vn. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng đưa vào vận hành cổng dịch vụ trực tuyến phục vụ gửi hồ sơ đăng ký đóng điện lần đầu với các dự án năng lượng tái tạo. Các ứng dụng trên đều được các đơn vị thực hiện trên nền tảng số hóa, giảm thiểu tối đa các thủ tục cũng như thời gian đi lại cho các chủ đầu tư.

Các đơn vị trực thuộc EVN còn tạo những nhóm trao đổi qua ứng dụng Viber với các chủ đầu tư, sẵn sàng hỗ trợ, trả lời các câu hỏi, vướng mắc của chủ đầu tư 24/24 giờ.

Với các nhà máy đã đi vào vận hành, việc phân bổ công suất cũng được EVN/A0 đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng; tận dụng tối đa khả năng tải của các đường dây, ưu tiên các nhà máy điện năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại của các chủ đầu tư.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, từ nay đến cuối năm, khoảng 36 nhà máy điện sẽ đóng điện, đi vào vận hành thương mại. Tuy số lượng các nhà máy không nhiều nhưng sẽ tập trung đóng điện vào thời điểm cuối năm. Để quá trình thử nghiệm, đóng điện đưa vào vận hành được thuận lợi, EVN và các đơn vị trực thuộc bố trí nhân lực hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư trong quá trình triển khai các quy trình, thủ tục.

Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió Đông Hải 1 giai đoạn 2

Mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu có Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 15/7/2020 về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1 giai đoạn 2 tại khu vực biển xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Theo quyết định này, UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận nhà đầu tư: Công ty CP Bắc Phương thực hiện dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1 giai đoạn 2, công suất 50 MW tại khu vực biển xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu với diện tích khu vực biển dự kiến sử dụng cho dự án khoảng 284.71 ha, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Theo đó tiến độ thực hiện dự án là 16 tháng, bắt đầu từ tháng 7/2020 và đi vào vận hành thương mại vào tháng 10/2021 với sản lượng điện năng là 199,75 triệu kWh/năm. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.

Ảnh minh họa

Hãng thiết kế, sản xuất, lắp đặt, và vận hành bảo trì bảo dưỡng các tuabin gió Vestas cũng vừa thông báo đã giành được đơn đặt hàng 50 MW từ Công ty CP Bắc Phương - công ty tổng thầu cho giai đoạn 2 của dự án điện gió gần bờ Đông Hải 1. Vestas giành được đơn hàng cho giai đoạn 2 này sau khi đã được trao thầu giai đoạn 1 của dự án vào tháng 12/2019. Với giai đoạn 2 này, dự án Đông Hải 1 công suất 100 MW sẽ là dự án điện gió gần bờ lớn nhất ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại.

Để tối ưu hóa sản lượng điện cho điều kiện gió cụ thể của dự án, Vestas sẽ cung cấp và giám sát việc lắp đặt 13 tuabin gió V150 - 4,2 MW, trong đó 10 tuabin ở mức công suất đặt 3,8 MW và 3 tuabin ở mức 4 MW. Dự án sẽ sử dụng các cột tháp được thiết kế tùy chỉnh, đặt trên các móng gia công cốt thép trên bờ vươn cao trên mực nước biển. Nằm ở vùng nước nông gần bờ tại tỉnh Bạc Liêu, cả 2 giai đoạn của trang trại điện gió Đông Hải 1 có vị trí chiến lược nhằm khai thác tối ưu tiềm năng tốt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Đơn đặt hàng cũng bao gồm hợp đồng dịch vụ vận hành và bảo trì toàn diện Active Output Management 5000 (AOM 5000) trong vòng 10 năm, được thiết kế nhằm tối đa hóa sản lượng điện cho dự án. Việc lắp đặt tuabin dự kiến được hoàn thành vào quý III/2021.

PV