Văn hóa, du lịch

Để di sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ hai, 23/11/2020 | 11:29 GMT+7
Di sản vốn rất dễ bị tổn thương trước những tác động của các yếu tố tự nhiên môi trường và xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ như hiện nay, để các di sản văn hóa có thể thích ứng với điều kiện tự nhiên là điều cần phải được tính toán.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di tích kiến trúc, di tích khảo cổ sẽ bị xuống cấp và hư hỏng do bị ngập lâu trong nước hoặc tác động của nhiệt độ và độ ẩm cao trong thời gian dài. Việc sụp đổ hoặc mất hoàn toàn do tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt trong trường hợp có sự kết hợp của một vài hiện tượng như bão kết hợp thủy triều, lốc xoáy kết hợp mưa lớn... có khả năng vô cùng cao.

Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm thay đổi lối sống, cách làm việc, thờ tự của cộng đồng và xã hội, khiến cho các công trình xây dựng, cảnh quan có khả năng được thiết kế, tu sửa khác đi, thậm chí có thể làm cho con người phải di chuyển chỗ ở, dẫn đến việc từ bỏ di sản tại nơi ấy.

Tu bổ di sản sau bão lũ

Đại diện Viện Kiến trúc quốc gia, bà Phạm Thúy Loan cho rằng, việc tôn trọng phương pháp thiết kế truyền thống trong việc bảo tồn và xây dựng mới chính là chìa khóa để kế thừa và phát huy những giá trị của công trình di sản trong giảm thiểu biến đổi khí hậu. Do vậy, cần có những biện pháp cụ thể để con người có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu, đồng thời có các phương án thích hợp trong việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa.

Theo GS TS.Lưu Trần Tiêu, nguyên Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, bên cạnh việc áp dụng những kinh nghiệm, phương pháp bảo tồn truyền thống và hiện đại như chống mối mọt, tu bổ các bộ phận bị hư hỏng, gia cường, gia cố, diệt trừ cây leo gây hại, bảo quản định kỳ, cần nghiên cứu triển khai số hóa dữ liệu về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để có thể khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin. Ngoài ra, cần ứng dụng và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị khoa học, công nghệ hiện đại trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên.

Bên cạnh đó, UNESCO cũng đưa ra khuyến cáo cho các địa phương có di sản, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cần xác định kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, việc bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa cần được hiểu như một chiến lược dài hạn và các hoạt động ứng phó cần phải rất cụ thể. Cấp thiết phải tìm ra những kinh nghiệm tốt trong việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, bao gồm cả những kinh nghiệm dân gian truyền thống và kỹ thuật tiên tiến. Chủ động tuyên truyền, phổ biến các kinh nghiệm đó trong mạng lưới các di sản và trong cộng đồng. Kết nối hoạt động của các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương nhằm bảo tồn sự toàn vẹn và tính nguyên gốc của giá trị di sản.

Thanh Bảo (t/h)