Kinh tế xanh

Đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Thứ hai, 12/6/2023 | 15:42 GMT+7
Ngày 12/6, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Phát triển kinh tế bền vững, Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức diễn đàn Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, Quyết định số 687/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta. Do đó, để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn, việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng…

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Vì vậy, để tạo dựng "sức sống" cho các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy phục hồi xanh. Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng này là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trình Chính phủ vào quý II/2023.

Việc sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ vững chắc cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn (chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp…). Theo đó, nội dung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn chính là một yêu cầu quan trọng.

Diễn đàn Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh, trong các nền kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn có thể mang lại nhiều cơ hội theo đuổi đa dạng hóa kinh tế và tiếp cận các thị trường có giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế có vai trò rất quan trọng trong tiếp cận, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế tuần hoàn; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn cũng rất cần thiết.

Về vấn đề này, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, mục tiêu xây dựng chính sách là để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam.

Thông qua sự kiện, CIEM kỳ vọng sẽ sớm đề xuất được một cơ chế thử nghiệm hiệu quả để phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn tới; đồng thời sẽ tổng hợp, tập trung nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ trong thời gian tới.

Góp ý tại diễn đàn, ông Dennis Quennet, Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh, GIZ cho biết, để thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Trong đó, phải có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp và các địa phương; có kế hoạch truyền thông cụ thể về phát triển bền vững để cả người dân, doanh nghiệp cùng tham gia tích cực.

Ngoài ra, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách rõ ràng về thuế, phí, tiếp cận đất đai, tín dụng để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xanh vừa có chế tài mạnh để xử lý doanh nghiệp vi phạm về môi trường, phát triển bền vững...

Bảo Ngọc