Sức khỏe

Đề xuất phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam

Thứ sáu, 22/12/2023 | 17:11 GMT+7
Chiều ngày 21/12, tại Hà Nội, Hội nghị Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 với chủ đề “Nâng tầm ASIAD – Khát vọng Olympic” đã diễn ra và nhận được nhiều đề xuất, giải pháp hữu ích.

Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) cùng chia sẻ những kểt quả đã đạt được, các khó khăn vướng mắc trong quá trình phát triển TDTT, từ đó đưa ra một số giải pháp cho thời gian tới.

PGS.TS Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT cho biết, để khắc phục các vấn đề còn hiện hữu, cần xác định rõ mục tiêu và giải pháp. Về mục tiêu, ngành thể thao xác định rõ 3 mục tiêu tổng quát gồm: tạo bước đột phá về thành tích thể thao tại các kỳ Thế vận hội (Olympic) và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD); xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên một cách khoa học, bền vững; tập trung đầu tư trọng điểm cho những vận động viên ưu tú tham gia thi đấu Olympic 2024, 2028 và ASIAD 2026 và 2030; định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình để tập trung nguồn lực đầu tư, từ chuẩn bị lực lượng, công tác huấn luyện đến cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và ổn định nguồn kinh phí hoạt động thể thao thành tích cao đến năm 2030.

Các giải pháp có hai nhóm là ngắn hạn và dài hạn. Với nhóm giải pháp trước mắt và ngắn hạn, cần nâng cao công tác quản lý về chuyên môn, dinh dưỡng, kỷ luật, cơ sở vật chất đối với các trung tâm huấn luyện thể thao, các đội tuyển quốc gia. Nhóm giải pháp dài hạn cần tập trung vào công tác xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao; nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo; ứng dụng khoa học công nghệ, chăm sóc y tế, hồi phục và chế độ dinh dưỡng cho vận động viên; xã hội hóa thể thao thành tích cao, đảm bảo nguồn lực về tài chính.

Định hướng phát triển thể thao thành tích cao

Theo GS.TS Lâm Quang Thành, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, hiện nay, thể thao thành tích cao Việt Nam đã có sự phát triển khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tiến bộ hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhìn chung thành tích thể thao ở các môn thể thao Olympic còn thấp so với châu lục và thế giới, đặc biệt là công tác nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong đào tạo, huấn luyện vận động viên (VĐV), nhất là VĐV có trình độ cao.

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, để nâng cao thành tích thể thao trong giai đoạn từ 2024 đến 2030, cần có nhiều yếu tố, bao gồm công tác quản lý đối với huấn luyện viên, VĐV. Trong đó, cần quan tâm các vấn đề về tuyển chọn chuyên gia, bổ sung dinh dưỡng, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, tâm lý chuyên môn và chiến thuật thể thao theo đặc thù từng môn cho VĐV.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc giải "bài toán" cho thể thao thành tích cao không phải là chuyện "một sớm một chiều" mà cần có lộ trình, bước đi, nguồn lực, tổ chức rõ ràng. Các nhà quản lý thể thao Việt Nam cần phải nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn, đồng thời cần nhìn thẳng, nhìn thật vào những thiếu sót với thái độ cầu thị, khiêm tốn, không tranh công, đổ lỗi, đổ thừa trách nhiệm.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu ngành TDTT trong thời gian tới phải tập trung chấn chỉnh công tác đào tạo, tính toán từ cấp tỉnh, ngành đến hình thành các cấp độ đội tuyển. Trong đó, đặc biệt chú ý quy trình tuyển chọn, đào tạo cần mang tính hệ thống, bố trí điểm tập huấn tập luyện hợp lý với từng môn. Ngành cũng cần tập trung rà soát cơ sở vật chất đối với từng trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, từng địa phương để xác định thế mạnh, bố trí đội tuyển phù hợp. Phải chọn danh mục thể thao trọng điểm, từ đó lựa chọn các VĐV trọng điểm đào tạo theo hướng từ sớm, từ xa; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào tập luyện, đào tạo thể thao thành tích cao, đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương để khai thác thế mạnh mỗi vùng.

Lâm Bảo (T/H)