Đề xuất sử dụng thiết bị mới vớt rác trên kênh, rạch địa bàn TPHCM

Thứ năm, 29/10/2020 | 16:12 GMT+7
Mới đây, Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa có văn bản đề xuất UBND TPHCM phương án vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh rạch sử dụng công nghệ mới.

TPHCM có khoảng 2.000 km kênh rạch có chức năng phục vụ giao thông đường thủy, tiêu thoát nước. Tuy nhiên, nhiều tuyến kênh rạch đang bị ô nhiễm bởi rác thải, gây ô nhiễm môi trường và là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập nước.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết, hiện trung bình mỗi ngày, lượng rác thải Công ty vớt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là khoảng hơn 10 tấn.

Năm 2019, TPHCM đã chi hơn 28 tỷ đồng cho việc vớt lục bình, rong cỏ, rác thải trôi nổi trên toàn bộ các tuyến kênh: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đôi - Tẻ, Tàu Hũ và rạch Bến Nghé trong năm 2019. Tổng chiều dài 4 con kênh vào khoảng 25km. Trung bình mỗi ngày vớt được từ 10 - 40 tấn rác. Các ngày lễ, tết thì khối lượng rác tăng đột biến, từ 60 - 80 tấn.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác vớt rác, thu gom chất thải rắn trên các tuyến sông, kênh rạch nội thành, TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu ứng dụng các phương tiện, thiết bị thu gom công nghệ mới, hiện đại. Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn triển khai phương án vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch sử dụng công nghệ mới.

Bộ thiết bị mới vớt rác trên kênh, rạch

Theo đó, bộ thiết bị này do Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn nghiên cứu sản xuất và nhập khẩu với kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 20 tỷ đồng. Bộ thiết bị bao gồm 5 thiết bị: 1 sà lan lớn với khoang chứa rác khoảng 250 tấn, có cần cẩu gắp; một tàu thu gom rác tự động với sải cánh thu gom rộng 12 m chạy trên luồng chính và có hệ thống nén rác để tiết kiệm diện tích chứa; 2 máy gắp rác nhỏ có tính cơ động cao, do một người điều khiển, di chuyển rác và đưa về sà lan; một tàu kéo tàu chính. Khối lượng rác được vớt khoảng 30 tấn/ca (một ca vớt rác là bảy giờ) so với 20 tấn/ca đang thực hiện hiện nay trên kênh Tẻ, Đôi và rạch Bến Nghé. Ngoài ra, số lượng phương tiện và nhân công giảm hơn so với phương án đang thực hiện hiện nay.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết: “Qua thời gian thí điểm, việc sử dụng thiết bị hiện đại này mang lại nhiều hiệu quả. Cụ thể, thiết bị vớt rác và lục bình thực hiện cơ động, nhanh và chủ động, có thể thu gom nhiều loại rác, đặc biệt những loại rác lớn, nặng mà sức người khó vớt. Đồng thời, nâng công suất vớt cao hơn so với phương án đang thực hiện hiện nay nhờ vào tốc độ di chuyển các thiết bị nhanh, linh hoạt. Nếu áp dụng phương tiện, thiết bị và công nghệ này sẽ góp phần tăng nâng suất vớt rác. Đồng thời có thể vớt, thu gom cơ bản các loại rác, kể cả những loại rác có kích thước lớn trên sông”.

Chính vì vậy, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận cho triển khai thực hiện công tác vớt, thu gom chất thải rắn sử dụng công nghệ mới trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương (đoạn từ sông Sài Gòn đến Khu công nghiệp Tân Bình). Việc thu gom sử dụng các phương tiện hiện đại bao gồm: một tàu vớt rác 190Kw, một gàu ngạm, hai tàu xúc rác bằng gàu xúc 17,5Kw, một sà lan. Về đơn giá sẽ áp dụng đơn giá đang thực hiện hiện nay của công tác vớt lục bình, rong cỏ, rác thải trên tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ và rạch Bến Nghé.

Theo TN&MT