Cuộc sống xanh

Đô thị xanh phải có quy hoạch xanh

Thứ tư, 31/7/2019 | 14:00 GMT+7
Hiện nay ở Việt Nam chưa có tiêu/quy chuẩn xây dựng đô thị xanh cho nên nhiều đô thị tưởng là xanh nhưng chưa thực sự xanh. Năng lượng Sạch Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với TS. Ngô Trung Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội các Đô thị Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Nhiều người hiện nay vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước. Xin ông cho biết tiêu chuẩn của đô thị xanh hiện nay?

Từ xa xưa các cụ đã sống ở những ngôi nhà bao quanh là ao, hồ, cây cối và nương tựa vào địa hình tự nhiên. Đó chính là cuộc sống dựa vào thiên nhiên, bao hàm yếu tố xanh. Tuy nhiên thời trước chưa gọi là đô thị xanh nhưng đó chính là bản chất của mô hình này. Cùng với thuật ngữ phát triển bền vững, khoảng 10- 15 năm trở lại đây, đô thị sinh thái (+tiết kiệm = Eco2 city) ra đời và sau đó tiếp đến khái niệm đô thị xanh. Đô thị sinh thái là đô thị phù hợp với hệ sinh thái bản địa, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả nhất.

Nhiều người hiểu đơn giản đô thị xanh là nhiều cây xanh, không gian xanh không sai nhưng chưa đủ. Xanh chỉ là một trong nhiều tiêu chí của đô thị xanh. Trong Dự án hỗ trợ quy hoạch đô thị xanh Việt Nam do Hàn Quốc tài trợ đã xây dựng bộ tiêu chí đô thị xanh gồm 17 tiêu chí trên ba lĩnh vực là môi trường xanh, kinh tế xanh và xã hội xanh. Đó là mật độ xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa, diện tích cây xanh bình quân đầu người, số chứng nhận công trình xanh, số xe máy bình quân đầu người, tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng, lượng phát thải khí nhà kính bình quân, lượng tiêu thụ năng lượng bình quân, tỷ trọng năng lượng tái tạo, lượng phát sinh rác thải bình quân đầu người, tỷ lệ nước thải được xử lý, tỷ trọng đầu tư công trình xanh, lượng phát thải khí nhà kính/GRDP, tỷ lệ mức độ tự chủ tài chính, đã có chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, đã có kế hoạch xanh hóa, giảm thiệt hại do thiên tai…

TS. Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện QHĐTNT Quốc gia đang báo cáo trước Chính phủ Quy hoạch Vùng Thủ đô cùng chuyên gia Pháp

Vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo được nói đến rất nhiều trong quá trình xây dựng các đô thị xanh, đặc biệt trong việc thực hiện cam kết giảm khí thải nhà kính. Ông đánh giá việc sử dụng tiêu chí này ở các đô thị của Việt Nam như thế nào?

Một trong những nguồn năng lượng tái tạo rất lớn ở đô thị hiện nay là năng lượng từ rác thải. Nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam còn rất hạn chế do công nghệ chưa phù hợp cũng như các yếu tố khác như phân loại rác từ nguồn, cơ cấu rác thải…. Nhiều nhà máy xử lý rác từ đốt, làm phân compost, vật liệu xây dựng đã được xây dựng và vận hành nhưng thực sự chưa có mô hình nào thực sự thành công ở Việt Nam.

Riêng việc sử dụng năng lượng mặt trời đã có một số nhà máy ở miền Trung như ở Ninh Thuận và đã hòa vào lưới điện quốc gia. Ở tỉnh Bạc Liêu đã có “cánh đồng” điện gió cũng đang là những điểm sáng của Việt Nam trong quá trình giảm bớt việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Còn việc đưa các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, theo tôi nên tính toán với tỷ lệ nhất định, nếu không sẽ làm phá vỡ cảnh quan đô thị. Nhưng nếu ở vùng nông thôn, hải đảo nơi hạn chế về việc cung cấp điện lưới quốc gia chúng ta có thể đầu tư tạo nguồn năng lượng này để cho các gia đình có thể được sử dụng.

Việt Nam hiện chưa có khu đô thị nào đạt tiêu chuẩn là đô thị xanh

Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam còn rất hạn chế do công tác quy hoạch. Vậy theo ông muốn có đô thị xanh cần phải làm gì?

Thực tế hiện nay mới có quy hoạch đô thị nói chung, chưa có quy hoạch đô thị xanh chính thức. Một số đô thị/hay khu đô thị đã thử nghiệm trở thành đô thị xanh – ví dụ như Khu EcoPark ở Hưng Yên, Park city ở Hà Nội… và nhiều cụm nhà ở, khu resort gắn với chữ Park như khu resort Flamingo Đại Lải…, nhưng nếu xét theo các tiêu chí trên chắc chắn chưa thể trở thành đô thị/hay khu đô thị xanh. Những cái xanh ở các khu đô thị này mới chủ yếu là từ việc trồng nhiều cây xanh, chứ các yếu tố khác về kinh tế, môi trường văn hóa xã hội vẫn còn thiếu.

Để phát triển đô thị xanh, trước hết theo tôi cần phải có quy hoạch đô thị xanh (Green Urban Planning). Quy hoạch xanh có nghĩa tôn trọng thiên nhiên, tận dụng tối đa thiên nhiên, năng lượng tự nhiên, nắng, gió, nước mưa… và hướng tới xây dựng theo các tiêu chí của đô thị xanh như hạ tầng xanh hướng theo giảm mật độ giao thông tăng cường giao thông công cộng, các hệ thống thoát nước cấp nước và hệ thống xử lí chất thải rắn đều đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị xanh, mô hình đô thị tiết kiệm đất như dựa vào đô thị thích ứng, đô thị nén cũng như phân bố các khu công nghiệp, nông nghiệp hợp lí không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Tiếp theo đó cần phải nhanh chóng ban hành bộ tiêu chí xây dựng đô thị xanh. Từ đó mỗi đô thị sẽ xây dựng quy hoạch phát triển đô thị xanh trong tương lai. Một số đô thị thuận lợi phát triển cho mô hình này như Đà Lạt, Sapa, Buôn Mê Thuột… nên phát huy đi đầu vì nơi đây vốn có sẵn hạ tầng, điều kiện khí hậu, nền kinh tế cũng gắn với nông nghiệp công nghệ cao, có khả năng trồng và khai thác theo hướng công nghiệp… rất thuận lợi để phát triển đô thị xanh.

Vì vậy nên tập trung đầu tư hạ tầng xanh, kinh tế xanh sẽ giảm chi phí rất lớn và tiến nhanh tới quá trình đô thị xanh. Trước mắt, cũng có thể tập trung làm một số Khu phố Xanh (Green Quarter) - có qui mô nhỏ để hoàn thiện dần mô hình đô thị xanh, ví dụ như Washington DC đã ứng dụng làm một khu này với mô hình tái sử dụng hệ thống nước mưa, nước thải, khu xử lí/tái chế rác mini, lấy năng lượng mặt trời, vật liệu xây dựng thân thiện, các tòa nhà đạt tiêu chuẩn LEED, được công nhận Zero Building và nhiều yếu tố công viên, sinh hoạt cộng đồng văn minh.

Ngoài ra, có một vấn đề nữa cần phải nghiên cứu, tính toán là chính sách phát triển công trình xanh (Green Building) trong đô thị xanh. Hiện nay văn phòng xanh, khu công nghiệp xanh còn rất hạn chế. Bởi vì chi phí đầu tư xây dựng ban đầu cao hơn nhiều lần so với xây dựng công trình bình thường. Do đó, chính quyền cần có chính sách hỗ trợ công trình xanh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Từ đó sẽ nhân rộng được nhiều công trình xanh – yếu tố tạo nên môi trường bền vững.

Bên cạnh hạ tầng kỹ thuật xanh cũng như công trình xanh rất cần một mô hình sống xanh – cư dân đô thị biết yêu không gian sống của mình, ứng xử văn minh và thiết tha cùng chung tay xã hội xanh.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Phương