Trong nước

Dự kiến dành 2.870 nghìn tỉ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm

Thứ bảy, 24/7/2021 | 13:24 GMT+7
Dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 2.870 nghìn tỉ đồng bao gồm 1.500 nghìn tỉ đồng vốn ngân sách trung ương (trong đó có 1.200 nghìn tỉ đồng vốn trong nước, 300 nghìn tỉ đồng vốn nước ngoài) và 1.370 nghìn tỉ đồng vốn ngân sách địa phương.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, ngày 24/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 2.870 nghìn tỉ đồng bao gồm 1.500 nghìn tỉ đồng vốn ngân sách trung ương (trong đó có 1.200 nghìn tỉ đồng vốn trong nước, 300 nghìn tỉ đồng vốn nước ngoài) và 1.370 nghìn tỉ đồng vốn ngân sách địa phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án. Mức vốn bố trí bình quân cho một dự án là 210,4 tỉ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020 (88 tỉ đồng/dự án).

Bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TPHCM, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, về tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng so với số kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 là tích cực. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

Về cơ cấu nguồn vốn, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ về cơ cấu vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cơ bản nhất trí về danh mục và tổng vốn đầu tư dành cho các Chương trình mục tiêu quốc gia tuy nhiên, việc hoàn thành thủ tục triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia cho đến nay là quá chậm. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát lại nhiệm vụ, mục tiêu, đối tượng, địa bàn để bảo đảm không trùng lặp, gây lãng phí ngân sách. Cùng đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, tránh việc chia nhỏ dự án không đúng quy định.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc hỗ trợ thực hiện các dự án kết nối, có tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó kết hợp nguồn vốn chủ đạo của trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ một số nội dung về trật tự ưu tiên trong phương án phân bổ, cụ thể: việc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương và vốn ứng trước; việc cấp bù chênh lệch lãi suất; các dự án chuyển tiếp; việc phân bổ vốn cho dự án khởi công mới…

Đối với các kiến nghị của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, định hướng, thứ tự ưu tiên trong phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn; thống nhất dự kiến tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; mức dự phòng ngân sách trung ương 10%, dự phòng ngân sách địa phương do HĐND quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công.

PV