Sức khỏe

Đưa đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B

Thứ năm, 10/11/2022 | 10:30 GMT+7
Ngày 9/11, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B gồm: bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, tay chân miệng, thủy đậu…

Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh như: giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…

Như vậy, khi được xếp vào nhóm B, các hoạt động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ sẽ được thực hiện theo quy định phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với nhóm B. Trong đó có 4 nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm như sau: lấy phòng bệnh là chính, với thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

Bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở Việt Nam

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định rõ 7 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đó là: cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh, bao gồm tiếp xúc mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, quan hệ tình dục. Đa số người bệnh sẽ khỏi sau 10 - 14 ngày với cơ địa có miễn dịch bình thường và hết lây lan sau 21 ngày, một số trường hợp chuyển biến nặng.

Các triệu chứng thường gặp là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban nhìn giống như mụn nước trên mặt, trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục, hậu môn.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhận được báo cáo về sự xuất hiện của dịch đậu mùa khỉ tại 109 quốc gia thành viên ở tất cả 6 khu vực của tổ chức này.

Việt Nam cũng đã ghi nhận hai ca bệnh mắc đậu mùa khỉ có yếu tố dịch tễ từ nước ngoài. Hiện cả hai bệnh nhân đều đã khỏi bệnh và xuất viện; nguy cơ lây lan trong cộng đồng được kiểm soát và chưa ghi nhận ổ dịch đậu mùa khỉ tại Việt Nam.

Việt Nga