Sức khỏe

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố

Thứ bảy, 5/11/2022 | 15:20 GMT+7
Từ nay đến cuối năm, dự báo nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm tăng cao, trong khi Hà Nội mới sản xuất, cung ứng được một phần, số còn lại thu mua từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố truy xuất nguồn gốc, quản lý sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Nhiều sản phẩm an toàn đưa về Hà Nội tiêu thụ

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng, toàn tỉnh hiện có 100 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3 sao trở lên; có 46 nhãn hiệu được chứng nhận và bảo hộ trên thị trường; 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn. Thực hiện chương trình kết nối tiêu thụ nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội, đến nay, nhiều sản phẩm chủ lực và có lợi thế của tỉnh Hòa Bình như: cá sông Đà, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, rau hữu cơ, gà đồi... đã cung ứng vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ tại Hà Nội, được người dân Thủ đô đánh giá cao.

Còn theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng, hàng năm Bắc Giang cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 15.000 tấn thịt gà, hơn 1.000 tấn rau các loại, 2.500 tấn mỳ gạo, 1.350 tấn hoa quả, 14 tấn mật ong... Sản phẩm được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại siêu thị lớn như: Mega Market, GO, Co.opmart và các chợ đầu mối của Hà Nội. Để giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp Hà Nội trong kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Những năm qua, Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, kiểm soát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, cung cấp thực phẩm chất lượng cao, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc, phục vụ người tiêu dùng. Ngoài ra, thực hiện Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố quản lý an toàn thực phẩm, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Theo đó, đã tổ chức lấy 167 mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố, trong đó có 158 mẫu đạt (chiếm 95%), phát hiện 9 mẫu vi phạm. Đối với các mẫu không đạt, Chi cục đã thông báo, cảnh báo kịp thời cho các tỉnh, thành phố để xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Kiểm soát an toàn thực phẩm trước khi cung ứng vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ tại Hà Nội

Đẩy mạnh giám sát chất lượng theo chuỗi

Hiện nay, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng chuỗi liên kết để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp quản lý an toàn thực phẩm còn khó khăn, phần lớn sản phẩm nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội bán ở dạng thô hoặc mới qua sơ chế; ít sản phẩm có tem nhãn, mã vạch, mã số nên chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và thị hiếu tiêu dùng.

Để khắc phục khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm, theo Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu quốc tế Vạn Long (tỉnh Hà Giang) Nguyễn Xuân Thành, công ty tiếp tục đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm đặc sản của Hà Giang đến với người dân Thủ đô, trong đó có trà Shan Tuyết cổ thụ Hà Giang; đồng thời, tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại để tiêu thụ sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong cho hay, Sơn La tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết; dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội. Cùng với đó, tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của Hà Nội trong lấy mẫu các sản phẩm và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; đẩy mạnh áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố nhằm kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp, thông tin hai chiều về tình hình dịch bệnh, các cơ sở an toàn dịch bệnh đủ điều kiện vệ sinh thú y, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm để thuận lợi trong công tác quản lý. Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản; duy trì chương trình giám sát sản phẩm sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên diện rộng; cảnh báo, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Theo hanoimoi.com