Kế hoạch hỗ trợ trị giá 28 tỷ Euro của Chính phủ Đức sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 21/12 thông báo cơ quan này đã thông qua kế hoạch trị giá 28 tỷ Euro (29,69 tỷ USD) của Chính phủ Đức, nhằm hỗ trợ năng lượng tái tạo, qua đó tăng cường mở rộng việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Kế hoạch hỗ trợ sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
EC cho biết kế hoạch này là cần thiết và phù hợp để thúc đẩy năng lượng tái tạo cũng như giảm lượng khí thải đang làm trái đất ấm dần lên.
Bên cạnh đó, theo EC, những tác động môi trường tích cực của nguồn năng lượng này lớn hơn so với tác động tiêu cực có thể gây ra.
Ảnh minh họa
Trong một tuyên bố, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager khẳng định: “Đạo luật năng lượng tái tạo năm 2023 của Đức sẽ góp phần nhiều hơn vào việc khử carbon trong sản xuất điện. Theo kế hoạch trên, các nhà sản xuất năng lượng tái tạo sẽ được trả cao hơn mức giá thị trường mà họ nhận được khi bán điện”.
Mở rộng sản xuất năng lượng sạch được coi là chìa khóa để đáp ứng mục tiêu của Đức là loại bỏ lượng khí thải nhà kính ròng vào năm 2045 cũng như bù đắp một phần nguồn cung năng lượng thiếu hụt do tình hình xung đột tại Ukraine gây ra.
Trước đó, Chính phủ Đức khẳng định trong chưa đầy một thập kỷ nữa, Đức sẽ tăng gần gấp đôi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ điện và tăng gấp ba lần tốc độ mở rộng điện tái tạo - trên mặt nước, trên đất liền và trên mái nhà. Đây là điều kiện để Đức có thể đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền năng lượng, đặt nền tảng để trở thành quốc gia trung hòa carbon.
Đây cũng là một phần trong chương trình nghị sự của Đức trước áp lực khan hiếm năng lượng trong những tháng qua.
Một mặt, do cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra rất nặng nề, mặt khác, cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy tầm quan trọng của việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo.
Theo TTXVN