Diễn đàn nhằm tạo ra cầu nối giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP với hệ thống khách hàng chiến lược trong và ngoài nước. Đồng thời tạo điều kiện cho các nghệ nhân, tổ chức liên quan và ngành hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP được giao lưu, học hỏi, tìm kiếm đối tác phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Tại diễn đàn, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn đã chia sẻ về giải pháp, định hướng để phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ gắn với thương mại điện tử trên nền tảng số. Các diễn giả trong và ngoài nước cùng nhau thảo luận về phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ và kết nối sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP ra thị trường quốc tế.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/21/thu-cong-my-nghe-20241021150124734.jpg)
Đẩy mạnh hoạt động thương mại, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ bị phá sản, nhiều nghệ nhân gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, sức sáng tạo của nghệ nhân, doanh nghiệp vẫn rất dồi dào; nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất đa dạng, có thể tiếp tục mở rộng thị trường ra các nước. Để đáp ứng được tiêu chuẩn cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới, ngành thủ công mỹ nghệ, OCOP cần có tính thẩm mỹ, sáng tạo mới trong từng sản phẩm. Sản phẩm làm ra phải phục vụ cuộc sống.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, bản chất cuối cùng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là kết tinh giá trị văn hóa của Việt Nam trong mỗi sản phẩm và được tạo ra bởi tay nghề, tư duy của các nghệ nhân. Vấn đề chính của sản phẩm thủ công mỹ nghệ là kết nối thị trường và thổi hồn sức sống vào từng sản phẩm, từ đó đem lại giá trị cao và tồn tại lâu dài.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, 3 vấn đề trong chuỗi giá trị ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam là vùng nguyên liệu, nghệ nhân, doanh nghiệp. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Chính phủ với những cơ chế, chính sách mang lại hiệu quả trong phát triển ngành hàng này trong thời gian tới.
Do đó, ngành rất cần sự tư vấn, gợi ý của các chuyên gia nước ngoài về thị trường, kỹ thuật mới, công nghệ mới để các nghệ nhân nâng cao tay nghề, nắm bắt được nhu cầu thị trường quốc tế để thổi hồn vào sản phẩm. Các doanh nghiệp có nhu cầu có thể đặt hàng các trường đào tạo nghề thuộc Bộ NN&PTNT để đào tạo công nhân có tay nghề.
Đối với thị trường trong nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Chi cục Phát triển nông thôn các tỉnh thành, doanh nghiệp, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức các chuyên đề quảng bá, trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP hàng tháng, hàng quý theo từng chủ đề.
Với tình hình khó khăn hiện nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Bộ NN&PTNT mong muốn có thể khôi phục lại ngành nghề nông thôn - kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc. Nếu các bên đồng lòng, cùng nhau hành động thì ngành hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.