Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) Ninh Hữu Chấn nhấn mạnh, phát thải từ phương tiện giao thông đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Vì thế, chuyển đổi năng lượng xanh là xu hướng tất yếu, việc chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, bao gồm xe điện và các dòng xe thân thiện với môi trường đã trở thành yêu cầu cấp bách.
Thông qua hội thảo, chúng ta hiểu sâu hơn về các giải pháp phát triển dòng xe điện hóa tại Việt Nam và quốc tế, cũng như vai trò của việc sử dụng đúng nhiên liệu tiêu chuẩn Euro 5 trong giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ đơn thuần là một bước phát triển công nghệ mà còn là cam kết lâu dài của Việt Nam đối với mục tiêu Net Zero vào năm 2050, phù hợp với các chiến lược quốc gia và quốc tế về giảm thiểu phát thải carbon.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/10/23/xe-dien-20241024150832064.jpg)
Chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, bao gồm xe điện và các dòng xe thân thiện với môi trường đã trở thành yêu cầu cấp bách
Trong phần đầu tiên của hội thảo, các chuyên gia thảo luận về chủ đề "Xe điện hóa và công nghệ", tập trung vào công nghệ xe điện hóa và xu hướng chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh sạch. Các chuyên gia cũng chia sẻ về 4 nội dung: tổng quan về các dòng xe điện hóa; xu hướng chuyển đổi sang xe điện hóa; vai trò của xe điện hóa trong việc giảm phát thải; từ đó đưa ra các đề xuất chiến lược cho Việt Nam.
Tiếp đến là chủ đề "Sử dụng nhiên liệu Euro 5" có các nội dung bao gồm: hiện trạng nguồn cung nhiên liệu Euro 5 tại Việt Nam; tầm quan trọng của việc sử dụng nhiên liệu đúng tiêu chuẩn; khó khăn và giải pháp của việc cung ứng nhiên liệu Euro 5 tại Việt Nam.
Tại hội thảo, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, trong 3 thập kỷ qua, giao thông vận tải là lĩnh vực duy nhất có lượng phát thải khí nhà kính tăng, tăng 33,5% từ năm 1990 - 2019. Do đó, Liên minh châu Âu đặt mục tiêu giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính từ giao thông vận tải vào năm 2050.
Theo ông Đàm Hoàng Phúc, để làm được điều này, điện hóa phương tiện là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm khí nhà kính cho ngành giao thông vận tải. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển xe điện hóa từ nguồn điện sạch rất lớn như điện gió, điện mặt trời… Đây cũng là cơ sở quan trọng để thực hiện điện hóa phương tiện giao thông đường bộ thời gian tới.
Để thúc đẩy xu hướng sử dụng phương tiện giao thông môi trường tại Việt Nam, theo các chuyên gia tham dự hội thảo, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam cho xe điện hóa. Đây là công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước về xe điện hóa. Bên cạnh đó, định hướng cho các nhà sản xuất và lắp ráp trong nước, ngành công nghiệp phụ trợ cho xe điện hóa. Đồng thời, ban hành các chính sách phát triển ô tô điện hóa đồng bộ trên cả 3 phương diện gồm: phát triển công nghiệp ô tô điện hóa; nghiên cứu phát triển công nghệ ô tô điện hóa và phát triển thị trường ô tô điện hóa...